Quản lý

Hiến kế để ngành GTVT tiếp tục “Đi trước mở đường”

04/09/2016, 08:05

Nhiều nguyên lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, thời chiến hay thời bình, ngành GTVT luôn tiên phong “Đi trước mở đường”...

2

Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn

Chia sẻ với Báo Giao thông, nhân dịp 71 năm ngày truyền thống ngành GTVT, nhiều nguyên lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, thời chiến hay thời bình, ngành GTVT luôn tiên phong “Đi trước mở đường” phục vụ đất nước. Trong bối cảnh nguồn lực ngày càng khó khăn hiện nay, ngành GTVT càng cần nỗ lực, khẳng định sứ mệnh “Đi trước mở đường” đó.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn:

Chính sách hợp lý không lo thiếu tiền đầu tư hạ tầng

Thời nào cũng vậy, những thuận lợi, khó khăn của ngành GTVT gắn liền với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành GTVT cũng cần nỗ lực để luôn đi trước một bước.

Trong thời gian giữ cương vị Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ GTVT, tôi gói gọn mục tiêu, nhiệm vụ của ngành GTVT trong bốn chữ: An toàn - Thông suốt - Thuận lợi - Hiệu quả. Tính an toàn không chỉ trong hoạt động GTVT mà với cả người tham gia giao thông. Còn để đạt được sự thông suốt cần kết nối tốt giữa cơ sở hạ tầng giao thông, các phương thức vận tải, cơ sở hạ tầng giao thông, con người và sự phù hợp của thể chế, chính sách. Việc thiếu kết nối sẽ khiến vận tải của Việt Nam phát triển vẫn khá dè dặt. Trong các nhiệm vụ của ngành GTVT, tôi luôn coi vận tải là nhiệm vụ chính trị cao nhất, nhiệm vụ số một. Vận tải phải nhanh nhất, an toàn nhất, tiết kiệm nhất, thuận lợi nhất và hiệu quả nhất. Làm được điều đó năng suất lao động mới cao.

Với kết nối hạ tầng, tôi cho rằng cần ưu tiên đầu tư cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc ra các cảng biển, cửa khẩu biên giới lớn, kết nối giữa hàng hải, cảng biển với đường thủy nội địa. Ở nhiều nước, người ta gộp hai loại hình này, tổ chức bộ máy quản lý làm một, không tách đôi như ở nước ta. Đường bộ, đường sắt cũng vậy, cần có sự kết nối chặt chẽ mới phát huy hiệu quả và san sẻ gánh nặng cho đường bộ.

Theo tôi, Bộ GTVT nên là cơ quan đứng ra tổ chức kết nối, lập thành đề án kết nối vận tải riêng và có Ban chỉ đạo để triển khai. Đề án này rất quan trọng trong việc hoạch định kế hoạch, việc này có thể thuê nước ngoài lập, cố gắng xong trong khoảng nửa năm hoặc một năm. Đề án kết nối mang tính chất bao trùm, có bộ máy điều hành để không chỉ kết nối hạ tầng giao thông, giữa các phương thức vận tải, chính sách, bộ máy để sự kết nối có tính chất rộng hơn logistics… gồm cả vấn đề thông quan hàng hóa, vận chuyển từ khu kinh tế, công nghiệp, cải cách hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế vùng, liên vận quốc gia.

Một vấn đề nữa, đối với các dự án giao thông, tính hiệu quả phải được đặt lên trên hết. Dự án nào được ghi vốn mới làm. Dự án làm càng nhanh, vốn được cấp càng nhanh. Chủ đầu tư không phải chịu lãi suất, mà dùng hiệu quả từ việc dự án được làm nhanh để bù đắp phần lãi suất đó. Dự án giao thông muốn có hiệu quả phải đấu thầu, không nên chỉ định thực hiện. Nếu tính hiệu quả của dự án được đảm bảo, sẽ không lo thiếu nguồn vốn đầu tư. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng cao, khi đã tạo được chính sách hợp lý tư nhân sẽ bỏ tiền ra đầu tư, nhà đầu tư thế giới cũng sẽ vào.

Hồng Xiêm (ghi)

3

 

Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng:  

Vẫn cần hoàn thiện cơ chế PPP để hút thêm vốn

Thời gian qua việc thu hút vốn xã hội đầu tư theo hình thức BOT vào hạ tầng giao thông đã tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông, phục vụ rất tốt việc đi lại của nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo tôi, việc huy động vốn ngoài xã hội đầu tư hạ tầng giao thông tuy cũng đặt ra một số vấn đề cần giải quyết như: Quy chế BOT; Thực hiện dự án; Khả năng hoàn vốn; Thu phí; Lựa chọn nhà đầu tư như thế nào... nhưng phương thức này vẫn cần tiếp tục khuyến khích thực hiện trong thời gian tới và cần tìm ra giải pháp phù hợp.

Tôi cho rằng, với tình hình hiện nay, để huy động được nguồn vốn BOT như thời gian qua là không đơn giản, cần có cơ chế hợp lý để vừa khuyến khích được nhà đầu tư vừa quản chặt đồng vốn, chống thất thoát, lãng phí. Thời gian tới, chúng ta cần tập trung xây dựng các tuyến đường cao tốc mới. Đây chính là nền tảng cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tạo lập được một hệ thống quản lý văn minh, được vận hành theo đúng pháp luật.

Vậy cao tốc sẽ huy động vốn như thế nào? Theo tôi nguồn vốn ODA vẫn cần tiếp tục phải huy động, nhưng có sự lựa chọn. Bên cạnh đó, cần huy động các nguồn tín dụng có lãi suất cao hơn ODA một chút nhưng rất cần thiết. Tiếp đó, cần khai thác được nguồn vốn của các nhà đầu tư với sự tài trợ của ngân hàng để làm, nhưng cần tạo cơ chế để nhà đầu tư có thể hoàn trả vốn vay và thu hồi vốn hợp lý. Để thực hiện được các dự án một cách hợp lý, theo tôi cũng cần có sự kết hợp của các nguồn vốn ngoài xã hội với nguồn vốn của Nhà nước để đảm bảo được tính khả thi.

Đối với nguồn vốn PPP từ nước ngoài, thực tế đã được các nhà đầu tư quốc tế nghiên cứu và triển khai tại nhiều quốc gia. Hiện nay, dù chúng ta đã thực hiện nhiều dự án PPP nhưng đó chưa thực sự là PPP, cách thức thực hiện còn sơ khai. Vì vậy, thời gian tới cần phải đi sâu, ứng dụng PPP theo đúng luật quốc tế mới tạo được kênh thu hút nhà đầu tư, tài trợ quốc tế như: WB, ADB… Mỗi kênh có một ít, đa dạng hóa các nguồn mới huy động đủ vốn để phát triển hạ tầng giao thông.  

Tiến Mạnh (ghi)

4

 

Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN, nguyên Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT Nguyễn Ngọc Long:

Làm việc gì cũng cần lực lượng nòng cốt

Thời gian qua, ngành GTVT đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, nhất là công tác đầu tư xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, để tiếp tục đột phá trong giai đoạn tới, theo tôi, ngành GTVT cần tập trung vào ba giải pháp chính. Đầu tiên là tiếp tục đổi mới, chấn chỉnh và hoàn thiện bộ máy phục vụ công tác đầu tư xây dựng hạ tầng.

Vừa qua, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp đã được Bộ GTVT triển khai một cách mạnh mẽ, bên cạnh những kết quả đạt được còn bộc lộ một số vấn đề. Trong bối cảnh các doanh nghiệp truyền thống, những đơn vị nòng cốt trong lĩnh vực xây dựng giao thông đã cổ phần hóa xong, Bộ GTVT cần phải có những giải pháp để các đơn vị từ tư vấn đến các nhà thầu phát huy được truyền thống và tiếp tục gắn bó với nghề giao thông. Đây là vấn đề cốt lõi, bởi muốn làm việc gì cũng phải có lực lượng nòng cốt.

Thứ hai, ngành GTVT cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động quản lý đầu tư xây dựng. Thời gian tới, nguồn vốn từ ngân sách dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Để có nguồn lực đầu tư, ngành GTVT sẽ phải huy động các nguồn vốn từ nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, do đó việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý sẽ đóng vai trò quyết định đến công tác huy động nguồn lực. Các quy định pháp lý trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cần phải đúng đắn, không được để xảy ra bất cứ lỗ hổng nào. Đơn cử như việc quản lý các dự án BOT từ việc lựa chọn nhà thầu, tiêu chí lựa chọn dự án triển khai bằng hình thức BOT… cần quy định rõ ràng, công khai, minh bạch.

Thứ ba, ngành GTVT cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của các công trình hạ tầng giao thông. Trong bối cảnh nguồn vốn ít, phải tuyệt đối không để xảy ra tình trạng công trình vừa làm xong đã hỏng, làm đi làm lại nhiều lần. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, ngành GTVT cần phải lựa chọn đúng dự án, xếp hạng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư và phải xây dựng chương trình cụ thể phù hợp với khả năng của nguồn vốn, tránh tình trạng đầu tư dàn trải.  

Đình Quang (ghi)

5

 

Nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đoàn Văn Bửu:

Tạo nhiều cơ hội việc làm để người lao động cống hiến   

Các cấp công đoàn GTVT và người lao động toàn ngành đã có đóng góp to lớn vào truyền thống 71 năm “Đi trước mở đường” vẻ vang của ngành GTVT. Trước đây, giai đoạn xây dựng, phát triển ngành GTVT theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, các cấp công đoàn toàn ngành đã phát động nhiều phong trào thi đua lao động giỏi, sáng tạo trong CNVCLĐ toàn ngành hiệu quả, góp phần thiết thực vào thành công của mọi hoạt động GTVT.

Theo tôi, thời gian tới, khi nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông hạn chế, việc làm, đời sống người lao động các doanh nghiệp sau CPH, thoái vốn còn nhiều khó khăn, ngành GTVT cần xác định tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn nữa cho người lao động cống hiến.

    Thanh Thúy (ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.