Xã hội

Hiên ngang Nhà giàn DK1 giữa trùng khơi

05/05/2018, 06:58

Những ngôi nhà giàn bằng khung thép dựng cao vượt trên mặt biển vài chục mét là nơi đóng quân của lính hải quân.

15

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân và lãnh đạo một số tỉnh thăm hệ thống điện mặt trời, sân đỗ trực thăng tại Nhà giàn DK1/19

Ở nơi ấy, những người lính biển vượt qua muôn vàn thử thách, chấp nhận hy sinh, gian khổ để bảo vệ vững chắc biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Những người lính hy sinh giữa thời bình

“Toàn tàu chú ý, đã tới khu vực Nhà giàn DK1, các đơn vị chuẩn bị thực hiện lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”, tiếng loa phát thanh vang lên trên con tàu HQ561 khi chúng tôi tiến tới Nhà giàn DK1/19. Đoàn công tác số 4 trên tàu HQ561 do Chuẩn đô đốc Phạm Xuân Điệp, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn ra thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 dịp cuối tháng 4/2018.

Trong âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, những chiến sĩ Nhà giàn DK1 và quân dân huyện đảo Trường Sa thường xuyên phải đối mặt với “những vị khách không mời”. Chỉ tính riêng Nhà giàn DK1/19 trong năm 2017 đã phát hiện hơn 1.000 mục tiêu các loại trong đó có nhiều mục tiêu là tàu quân sự Trung Quốc. Những thông tin đó lập tức được báo cáo về sở chỉ huy để có những chỉ đạo kịp thời.

Cái tên Nhà giàn DK1 trước đây hầu như không được biết tới vì những lý do bí mật thì những năm gần đây dần được biết tới rộng rãi. DK1 là cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, cách đất liền khoảng 250 - 350 hải lý. Trên khu vực biển Đông, Việt Nam đã xây dựng cụm 7 khu vực nhà giàn, mỗi nhà giàn là một trạm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật, giao Lữ đoàn 171 thuộc Vùng 2 Hải quân quản lý.

Ngược dòng lịch sử, ngày 14/3/1988, các lực lượng tàu chiến hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại của Trung Quốc đã ngang nhiên, bất chấp công lý và lẽ phải, bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Với ý chí quyết tâm “bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng Hải quân đã kiên cường chiến đấu giữ đảo. Chúng ta đã giữ vững nhiều đảo trên quần đảo Trường Sa nhưng đảo Gạc Ma đã bị quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Chuẩn đô đốc Phạm Xuân Điệp cho biết: “Sau sự kiện ngày 14/3/1988, nhận biết trước âm mưu thủ đoạn của nước ngoài, ngày 5/7/1989, Đảng, Nhà nước ta quyết định thành lập cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam, trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Gần 30 năm trôi qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 đã gác lại những tình cảm riêng tư, tình nguyện gắn bó với biển khơi, trực tiếp chốt giữ, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn. Suốt những năm qua, những người lính nhà giàn đã trực tiếp đối mặt với mọi hành động xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh đó, họ chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ bởi sự nghiệt ngã của thiên tai”.

16

Đại biểu các tỉnh tại Nhà giàn DK1/19

Những cột mốc chủ quyền trên biển

Từ ngày 10 - 15/6/1989, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành xây dựng xong nhà giàn đầu tiên tại bãi đá ngầm Phúc Tần. Ngay sau khi nhà giàn được xây dựng xong, một phân đội thuộc Lữ đoàn 171 lần đầu tiên ra bám trụ nhà giàn.

Tiếp đó, hàng loạt nhà giàn được xây dựng trở thành những cột mốc chủ quyền trên biển. Giai đoạn đầu các nhà giàn tương đối thô sơ, kết cấu dạng pông-tông (một dạng phao lớn hình khối hộp làm bằng kim loại) đặt trên nền san hô, dễ bị dịch chuyển bập bềnh trong nước khi có sóng lớn. Đây cũng là giai đoạn mà các đơn vị đóng quân trên những nhà giàn chịu nhiều tổn thất. Như lời một cán bộ trực tiếp đóng quân trên Nhà giàn DK1/19: “Những nhà giàn cũ được sửa chữa 5 lần, gia cố chân đế một lần vẫn hiên ngang trước kẻ thù nhưng rung lắc trong bão tố”.

Đại tá Lê Văn Tuấn, Trưởng phòng Chính sách (Bộ Tư lệnh Hải quân) chia sẻ: “Những trận bão dữ dội vào những năm 1990, 1996, 1998 và 2000 với sức tàn phá khủng khiếp đã làm đổ một số nhà giàn - nơi cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ. Trong thời khắc giữa sự sống và cái chết, các đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân; phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội, Quân chủng Anh hùng, bình tĩnh và kiên cường bám trụ với tinh thần “còn người, còn nhà giàn, còn Tổ quốc”.

Khi cơn bão số 10 đổ bộ vào khu vực Nam biển Đông chiều ngày 4/12/1990 với sức gió giật trên cấp 12 tạo ra sóng lớn như nuốt lấy nhà giàn. Trong hiểm nguy, các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã kiên cường chống chọi với bão tố. Song, đêm đen ập xuống, sức gió mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị sóng dữ nuốt chửng, cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển, 3 đồng chí của Nhà giàn DK1/3 đã không thể trở về. Trong bão tố, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng đã động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, Nguyễn Hữu Quảng đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất để rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu.

Trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 năm 1998, nhà giàn bị rung lắc dữ dội, các chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/16 vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy, bình tĩnh, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong. Tuy vậy, gió bão đã xô đổ nhà giàn, cuốn cả 9 cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/16 xuống biển. Mặc dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng 3 chiến sĩ đã không thể trở về. Lịch sử của Quân chủng Hải quân vẫn mãi khắc ghi hành động cao đẹp của Thuyền phó, Thượng úy Phạm Tảo, Thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Tiến Cường, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, chiến sĩ Hồ Văn Hiền... những con người dũng cảm, họ đã vì đồng đội thân yêu, bất chấp hiểm nguy, hy sinh thân mình để cứu vớt các chiến sĩ nhà giàn bị nạn mà không một chút đắn đo. Các anh đã nằm lại nơi thềm lục địa phía Nam để cho đồng đội được sống.

Hiên ngang canh giữ biển trời

Trải qua 30 năm, Nhà giàn DK1/19 mà chúng tôi tới thăm là thế hệ nhà giàn thứ ba, vững chãi hơn rất nhiều so với trước đây. Nhà giàn mới được xây dựng cách nhà giàn cũ không xa, nối với nhau bởi một chiếc cầu trên biển.

Tuy vậy, để tới được nhà giàn, từ tàu HQ 561 chúng tôi phải đi xuồng, khéo léo bám vào từng bậc thang leo lên nhà giàn trong khi ngay dưới chân là những con sóng cao tới hàng mét. Vất vả nhất của người chiến sĩ nhà giàn là sự cô đơn, nhất là khi mùa biển động. Trung tá Phạm Công Trãi, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/19 nhớ như in những giờ phút cơn bão Tembi tràn qua nhà giàn vào tháng 12/2017: “Những cột sóng cao tới 15m tràn qua như muốn nuốt chửng lấy nhà giàn nhưng nhà giàn đã chống chọi được cơn bão dữ dội ấy”.

Ngày nay, toàn bộ nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đều sử dụng nhà giàn thế hệ thứ ba. Sự khác biệt của nhà giàn thế hệ thứ ba (thế hệ mới nhất) so với thế hệ nhà giàn thứ hai (được xây dựng những năm 1990 -1995) là có kết cấu liên hoàn theo mẫu giàn khoan nước sâu, rộng gấp ba và cao hơn so với nhà giàn cũ. Thế hệ nhà giàn mới có 6 chân cắm sâu xuống đáy san hô và có chân kiềng vững chãi, chịu đựng được sóng lừng từ đáy đại dương.

“Trước đây, mỗi khi có sóng gió cấp 9, nhà giàn thế hệ cũ có hiện tượng rung lắc, nay với nhà giàn mới, sóng gió cấp 10, cấp 11 vẫn không ảnh hưởng gì. Các phòng trên nhà giàn có kết cấu liên hoàn, thoáng mát. Từ khi nhà giàn được nâng cấp, sửa chữa, cán bộ, chiến sĩ yên tâm hơn khi đi làm nhiệm vụ”, Chuẩn đô đốc Phạm Xuân Điệp chia sẻ.

Tới Nhà giàn DK1 hôm nay, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy những luống rau xanh mướt trong những hộp xốp đặt cạnh lan can, sát sân đỗ máy bay trực thăng ở nhà giàn cũ. “Có đủ rau xanh cho bộ đội dùng, không những vậy, lợn, gà, vịt chúng tôi nuôi đầy ở nhà giàn cũ. Trong năm 2017, chúng tôi đã tăng gia được hơn 1 tấn rau xanh, gần 500kg thịt lợn, gia cầm và hơn 1 tấn cá”, Trung tá Phạm Công Trãi, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/19 hào hứng chia sẻ.

Chúng tôi rời Nhà giàn DK1/19 với bao cảm xúc. Những cái bắt tay thật chặt với người lính dạn dày sương gió như gửi gắm tình cảm, truyền hơi ấm của đất liền đến với người lính nhà giàn. Những người lính ấy, họ đang hàng ngày viết tiếp những câu chuyện anh hùng trong lịch sử, gác lại đời tư, gác lại cuộc sống bình yên nơi phồn hoa, đô thị để đến nơi đây canh gác biển trời Tổ quốc. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.