Bộ luật Hàng hải mới tạo điều kiện cho các cảng biển hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả nhất |
Việt Nam có rất nhiều lợi thế khi nằm trong vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới, có đường biển trải dài đất nước với hàng trăm cảng biển lớn nhỏ, hàng nghìn hòn đảo nằm trên đường hàng hải quốc tế và hơn 80% dân số sống trong vùng duyên hải.
Nhưng hỏi Việt Nam đã là quốc gia mạnh về biển, đã thực sự tận dụng hết tiềm năng từ biển chưa, chắc chắn đại đa số người Việt, kể cả những người lạc quan nhất đều sẽ chung một câu trả lời là chưa.
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng luôn đặt mục tiêu phát triển ngành kinh tế biển và kỳ vọng đây sẽ là ngành mũi nhọn, vươn lên vị trí số một trong thứ tự phát triển các ngành kinh tế. Trong chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 cũng đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, với nhiều lý do, trong đó có hành lang pháp lý, cơ chế chính sách chưa thực sự cởi mở, thậm chí lỗi thời, không theo kịp thực tế khiến mục tiêu đó chưa thành hiện thực. Hiện vận tải đường biển mới đảm nhiệm chưa đầy 20% tổng khối lượng hàng hóa vận tải nội địa, chưa tới 10% hàng hóa của Việt Nam đi quốc tế là điều khó được chấp nhận.
Bộ luật Hàng hải VN được ban hành năm 1990 và được sửa đổi, bổ sung năm 2005 được đánh giá là bộ luật kinh tế chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý điều chỉnh hệ thống quản lý hoạt động hàng hải, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân, trong đó có ngành Hàng hải. Tuy nhiên, sau hơn mười năm triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, thậm chí kìm hãm sự phát triển. Trước thực tế đó, sau nhiều năm chuẩn bị công phu, tháng 11/2015, Bộ luật Hàng hải sửa đổi chính thức được Quốc hội nhấn nút thông qua. Với rất nhiều điểm mới, bộ luật được kỳ vọng sẽ tạo đột phá phát triển kinh tế biển, đồng thời là cơ sở để hiện thực hóa, đưa hàng hải trở thành lĩnh vực kinh tế số một và đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh thực sự về biển.
Trong suốt gần 2 năm qua, để đưa bộ luật này vào thực tiễn, ngành GTVT, trực tiếp là Cục Hàng hải VN đã nỗ lực xây dựng dự thảo và trình các cơ quan chức năng hàng chục nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành. Bắt đầu từ 1/7/2017, Bộ luật Hàng hải chính thức có hiệu lực, tất cả những quy định mới, đột phá này sẽ thực sự là tiền đề, là cơ hội để tạo sự đột phá về thể chế, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính để phát triển kinh tế biển, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân và các doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận