Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, thuộc thành phần cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Khánh Linh |
Ước mơ đó càng có cơ sở, bởi kể từ khi hoàn thành, đưa vào khai thác những đoạn tuyến cao tốc đầu tiên là Cầu Giẽ - Ninh Bình, Sài Gòn - Trung Lương, chỉ khoảng hơn 5 năm, đến nay sau nhiều nỗ lực, Việt Nam đã có hơn 700km đường cao tốc hiện đại được đưa vào khai thác.
Không dừng lại, từ nhiều năm trước, chúng ta đã đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 2.000km đường cao tốc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 khóa XI của Ban chấp hành T.Ư cũng đề ra mục tiêu rõ ràng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 2.000km đường bộ cao tốc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại nhiều phiên họp gần đây cũng nhấn mạnh đến mục tiêu này, đồng thời đặt quyết tâm thực hiện đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Mới đây nhất, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa có Tờ trình “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông” để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Tờ trình cũng nêu rõ việc đầu tư chia ra nhiều giai đoạn, trong đó từ nay đến năm 2020 sẽ ưu tiên đầu tư khoảng 713km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Những ai quan tâm đến lĩnh vực GTVT đều hiểu rằng, chỉ khi hoàn thành được 713km này, mục tiêu đạt được 2.000km cao tốc mới có thể thành sự thật. Bởi cùng với hơn 700km đã đưa vào khai thác, hiện còn khoảng hơn 500km đang được triển khai xây dựng và gần như chắc chắn sẽ hoàn thành trước năm 2020, trong đó có thể kể đến như: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Hòa Lạc - Hòa Bình, La Sơn - Túy Loan, Bắc Giang - Lạng Sơn…
Tuy nhiên, để có thể biến ước mơ thành hiện thực không cũng không hề đơn giản, thậm chí rất nặng nề, bởi từ nay đến năm 2020 chỉ còn chưa đầy 4 năm, trong khi khối lượng công việc và những khó khăn phải đối mặt phía trước không hề nhỏ. Thách thức lớn nhất chính là nguồn lực đất nước và các doanh nghiệp rất hạn chế, cơ chế chính sách huy động vốn chưa thực sự hoàn thiện. Trong khi đó, hình thức PPP, nhất là BOT mà nhiều người kỳ vọng là nguồn vốn chủ lực đầu tư hạ tầng gần đây phần nào bớt hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong nước bởi quá nhiều rủi ro, còn nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà...
Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc và có những cơ chế chính sách phù hợp nhất, trong đó cần có cả những cơ chế đặc thù để kêu gọi đầu tư và triển khai các dự án một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận