Đô thị

Hiện trạng tuyến đường gần 3.400 tỷ đồng tại Hà Nội sắp tái khởi động

15/03/2024, 17:50

Dự án mở rộng đường Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) kéo dài tới 12 năm chuẩn bị được khởi động lại.

Dự án 12 năm vẫn dang dở

Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) dài hơn 3,5 km được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2012, điểm đầu nối với đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Vành đai 3.

Công trình thời điểm đó có tổng mức đầu tư 2.066 tỉ đồng, đến năm 2019 được điều chỉnh lên 3.354 tỉ đồng do UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư, khởi công năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 3 năm.

Tuy nhiên, sau 12 năm dự án vẫn còn dang dở. Nguyên nhân do gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Theo ghi nhận của Báo Giao thông, đường Tam Trinh chạy dọc theo các khu dân cư đông đúc và là tuyến huyết mạch nối Vành đai 2 và Vành đai 3 Hà Nội.

Nhiều năm nay tuyến đường vẫn tồn tại nút thắt cổ chai ở đoạn qua phường Yên Sở, khiến cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn.

Có mặt trên tuyến đường lúc 7h40 sáng nay (15/3), ghi nhận của PV Báo Giao thông phương tiện qua lại khá đông song đoạn từ đầu đường đến địa chỉ số nhà 210 chỉ rộng khoảng 8m cho hai chiều xe chạy.

    Đường Tam Trinh

Dòng phương tiện xếp hàng chờ lưu thông trên đường Tam Trinh.

Trong khi một đoạn khoảng 200m phía trước lại được mở rộng gấp đôi, có dải phân cách và hai chiều đường. Còn lại từ địa chỉ số nhà 126D tới cuối đường lại không khác gì đường làng khi bề rộng của đường có vị trí chỉ rộng 6m nhưng lưu thông hai luồng phương tiện. Từ điểm này dòng phương tiện liên tục phải xếp hàng dài để ì ạch di chuyển nhích từng chút một.

Đáng nói, bề mặt của tuyến đường nhiều vị trí bị cày nát, mặt đường lõm xuống hay vỡ vụn, tạo thành hố lõm sâu trong ngày mưa. Trong khi xe tải hạng nặng chạy rầm rập chiếm hết mặt đường, xe máy di chuyển trong tâm trạng nơm nớp lo tai nạn.

    Đường Tam Trinh

Một đoạn đường người dân lưu thông thuận lợi hơn khi bên cạnh là những toà cao ốc.

Quan sát của PV, tuyến đường càng trở nên nhếch nhác hơn khi hai bên đường san sát nhà kho, xưởng cơ khí, gara ô tô, máy móc gầm rú, ô tô đỗ ngang nhiên trước cửa hàng chiếm lòng đường để bốc dỡ hàng hóa. Người dân còn vô tư mang cả ghế, bạt ra làm vật cảnh giới khi xe đỗ chiếm lòng đường dỡ hàng khiến người đi đường lắc đầu ngao ngán.

Nhiều sinh viên ở trọ gần khu này cho biết, do lòng đường hẹp xuống điểm xe buýt xong phải liều mình đi giữa lòng đường, né xe tải để đi vì không có vỉa hè cho người đi bộ.

"Tuyến đường vành đai gì như đường làng, nhỏ hẹp nhưng lại đông phương tiện, ai ít đi qua sẽ rất sợ vì nhiều loại xe cộ, xe tải lưu thông đi với tốc độ cao cứ rầm rập chạy qua, luôn áp sát bên cạnh, chưa né kịp xe này thì xe khác đã tới", chị Nguyễn Thị Thảo (Thanh Trì) cho hay.

Ghi nhận của PV còn cho thấy, tuyến đường huyết mạch nối đường Yên Sở từ cầu Thanh Trì vào khu vực nội đô nên đường Tam Trinh có mật độ giao thông rất lớn. Đặc biệt, rất nhiều xe tải, xe có tải trọng lớn lưu thông qua đây để đi đường vành đai 3, lên cầu Thanh Trì.

Sớm khởi động lại dự án

Đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết, sau khi UBND thành phố giao, UBND quận đã kiểm đếm, xây dựng phương án chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong đó, có 1.620 hộ dân và 19 tổ chức trong diện bị thu hồi đất trên địa bàn. Ngày 17/10/2016, quận Hoàng Mai tổ chức lễ khởi công xây dựng, mở rộng đường Tam Trinh.

Song, quá trình triển khai, nhiều hộ dân trong diện GPMB không chịu bàn giao các diện tích đất nằm trong chỉ giới bị thu hồi. Vì thế, dự án đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch.

    Đường Tam Trinh

Con đường Tam Trinh trông nhếch nhác, mất an toàn cho phương tiện lưu thông.

Theo thông tin của Báo Giao thông, trước những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, tháng 11/2020, UBND thành phố họp với UBND quận Hoàng Mai và các đơn vị liên quan để tháo gỡ vướng mắc công tác GPMB.

Tại cuộc họp, thành phố đã thống nhất chính sách hỗ trợ người dân như hỗ trợ hộ kinh doanh tại chợ Mai Động 1.490.000 đồng/tháng (không quá 6 tháng), hỗ trợ các hộ tự chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang đất ở. Dù vậy, nhiều hộ dân liên quan vẫn không đồng ý và tiếp tục có đơn gửi các cơ quan chức năng. Thanh tra Chính phủ đã thanh tra toàn diện dự án đường Tam Trinh và các dự án liền kề.

Tháng 12/2021, Thanh tra Chính phủ có kết luận về chỉ giới thu hồi đất của dự án. Ngày 18/12/2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 6444 phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh.

Theo đó, tổng mức đầu tư dự án theo thiết kế cơ sở điều chỉnh là 3.354 tỷ đồng (tăng 1.287 tỷ đồng so với trước. Dự án sẽ xây dựng đồng bộ tuyến đường, chiều dài khoảng 3.557,7m, với mặt cắt toàn tuyến đường 40m theo chỉ giới đường đỏ đã được UBND thành phố phê duyệt. Chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư sau khi điều chỉnh là 1.046 tỷ đồng. Ngoài ra, thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh trong giai đoạn 2016 - 2026 (chậm 7 năm).

Về nguồn vốn thực hiện, ngân sách thành phố ứng trước và hoàn trả nguồn thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn quận Hoàng Mai để tạo nguồn vốn thực hiện dự án. Ngoài ra, dự án cũng sử dụng 1.000 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách quận Hoàng Mai.

Trước thông tin điều chỉnh dự án, người dân cho rằng, sẵn sàng bàn giao mặt bằng nếu được làm rõ pháp lý của dự án, mốc giới của dự án, giá đất và chính sách đền bù, giá nhà và vị trí tái định cư.

Đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết thêm, đơn vị đang gấp rút hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan. Thông tin về dự án đều được đăng công khai tại cổng thông tin điện tử của phường, quận để người dân kiểm tra, giám sát và thực hiện.

UBND quận Hoàng Mai cho biết, đến nay các vấn đề nút thắt của dự án đang được khẩn trương tháo gỡ, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã và đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để các nhà thầu sớm thi công trở lại.

UBND TP Hà Nội cho biết, để đẩy nhanh tiến độ dự án, tại các phường đã thành lập Ban Chỉ đạo GPMB tuyến đường Tam Trinh. Ban Chỉ đạo GPMB phường có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện thống nhất công tác GPMB trên địa bàn. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện bồi thường, GPMB. Các thành viên của Ban chỉ đạo đều được gắn trách nhiệm cá nhân, quy định chế độ giao ban, báo cáo định kỳ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.