Mua đất ruộng rồi vô tư khai thác
Sáng 26/11, PV Báo Giao thông tiếp cận hiện trường vụ khai thác đất trái phép để sản xuất gạch của Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên 2 (thuộc Công ty CP Xây lắp An Giang), tại thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Theo kết quả kiểm tra của UBND huyện An Phú, từ năm 2011, Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên 2, đã khai thác đất sản xuất gạch trên diện tích 154.348m2, độ sâu đào xuống dao động từ -3,5m đến -3,8m, tổng khối lượng đã khai thác 875.225m3 cả khu vực bên trong và bên ngoài Cụm Công nghiệp An Phú.
Hiện trường khu vực khai thác trái phép 875.225m3 đất của Công ty CP xây lắp An Giang.
Vị trí đất đã khai thác trên do Công ty CP Xây lắp An Giang mua lại đất ruộng của người dân xung quanh. Sau đó, lãnh đạo Công ty này uỷ quyền cho Giám đốc Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên 2 ký hợp đồng chuyển nhượng từ hộ gia đình sang cá nhân người đại diện công ty. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ có hợp đồng chuyển nhượng được công chứng, chứ chưa sang tên chủ sở hữu là cá nhân đại diện Công ty CP Xây lắp An Giang.
Đây là Nhà máy sản xuất gạch có quy mô lớn và duy nhất tại huyện An Phú. Ngay bên cạnh nhà máy cũng có nhiều ao hồ, được cho là đã đào đất mặt để sản xuất gạch.
Vừa qua khỏi cổng nhà máy chừng 30m, đối diện là cả khu đất rộng lớn với rất nhiều ao hồ đầy ắp nước như kiểu bị bỏ hoang. Một cán bộ huyện An Phú khẳng định, đó là khu vực khai thác đất trái phép của Nhà máy gạch Tunnel Long Xuyên 2 đã bị cơ quan chức nặng huyện kiểm tra.
Giữa các ao được ngăn bằng một đường đất kiên cố rộng khoảng 6m. Người dân xung quanh khẳng định, đó là đường nội bộ dùng cho các xe máy cày, xe ben vận chuyển đất khai thác được, tập kết về nhà máy.
Ông Kiếm, một người dân có đất ruộng gần khu vực khai thác đất trái phép cho biết, lòng hồ lớn này có thể sâu 8-10m vì trước đó Nhà máy đã dùng máy Kobelco 09 - loại cần cẩu rất dài để đào đất. Không chỉ Kobelco 09 chạy trên bờ này, họ còn đào hạ 1 cấp sâu đưa máy xuống để múc sâu hơn, được nhiều đất hơn.
Chưa có phương án hoàn trả hiện trạng
Anh Thật, một người dân sống gần khu vực này cho biết, khoảng một năm trước, đại diện Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên 2 có đến gặp gia đình anh để thương lượng mua lại 5 công (5.000m2) đất vườn xoài liền kề với khu vực khai thác đất trên.
"Họ ra giá 500 triệu đồng/công (1.000m2) nên tôi không bán. Phải 800 triệu đồng/công, tôi mới bán", anh Thật nói.
Đại diện UBND huyện An Phú cho biết, dự án Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên 2 có quy mô 5ha, được xây dựng tại Cụm Công nghiệp An Phú, xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2011.
Năm 2019, dự án mở rộng nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên 2 được UBND tỉnh An Giang phe duyệt Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư với quy mô 5,29ha. Tuy nhiên, đến nay Công ty CP Xây lắp An Giang không thực hiện thủ tục đầu tư và xin chấm dứt dự án.
"Vị trí đất đã khai thác chưa có giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Qua nội dung làm việc và trình bày của Công ty, ngày 24/10/2023 đã có văn bản xin chủ trương nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có diện tích 173.030m2 tại thị trấn An Phú để thực hiện dự án Khai thác mỏ sét gạch ngói.
Tuy nhiên, UBND tỉnh An Giang có công văn trả lời, không chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Xây lắp An Giang nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên", UBND huyện An Phú nêu rõ.
Cũng theo UBND huyện An Phú, theo quy hoạch xây dựng (đến năm 2030), một phần khu đất xin nhận nhận chuyển nhượng của Công ty CP Xây lắp An Giang chưa phù hợp quy hoạch, hiện đang được quy hoạch đất Cụm Công nghiệp An Phú mở rộng.
"UBND huyện đã có văn bản đề nghị đơn vị khai thác phải thực hiện hoàn trả khối lượng đất mặt đã khai thác tại khu vực trên. Tuy nhiên, đến nay huyện chưa nhận được phản hồi về giải pháp khắc phục hoàn trả khối lượng đất trên từ Công ty CP Xây lắp An Giang", đại diện UBND huyện An Phú thông tin.
Luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, Văn phòng Luật sư Trần Thanh Phong, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cho biết, căn cứ theo khoản 1 Điều 59 Luật Khoáng sản 2010 quy định về hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, bao gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản; Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản; Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt và bản sao giấy chứng nhận đầu tư; v.v
"Trong khi đó, từ năm 2011 đại diện Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang đã làm hợp đồng chuyển nhượng, được công chứng, nhưng chưa sang tên quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 173.000m2 để sản xuất gạch ngói là chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Nghĩa là về mặt pháp lý, ngoài việc chưa hoàn tất những thủ tục để khai thác khoáng sản thì công ty cũng chưa được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất và đương nhiên việc khai thác đất là không thể", luật sư Thăng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận