Ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng biển Việt nam cực lực phản đối hành động của Trung Quốc ngang nhiên đưa dàn khoan HQ 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam từ ngày 01/05/2014. Dàn khoan này còn được hàng trăm phương tiện hỗ trợ kể cả phương tiện quân sự.
Đây là sự vi phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền Việt nam, vi phạm nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về Ứng xử (DOC) của các bên liên quan về biển Đông mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, và những thỏa thuận liên quan khác đã có giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Cảng biền Việt Nam hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp tình hình an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực biển Đông, tạo tác động xấu đến thương mại hàng hải nói chung và hoạt động của cảng biển nói riêng của cả khu vực, làm mất ổn định và đe dọa hòa bình thế giới.
Dàn khoan Trung Quốc đe dọa đến an ninh, an toàn Hàng hải trên biển Đông |
Hiệp hội yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để xảy ra tình trạng tương tự; cùng với các nước trong khu vực nhanh chóng đàm phán một cách thực chất để thống nhất bộ Qui tắc Ứng xử (COC) ở biển Đông, tạo nền tảng pháp lý trong việc xử lý tranh chấp trên cơ sở đảm bảo ổn định và hòa bình lâu dài cho khu vực.
Ông Hồ Kim Lân cho biết, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam sẽ vận động các cảng thành viên có tiếng nói chung và hành động cụ thể hơn kể cả đóng góp ủng hộ các lực lượng cảnh sát biển, ngư dân... đang bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh trực diện đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Hiệp hội cũng sẽ vận động để có được sự đồng tình và ủng hộ của khối cảng biển khu vực và quốc tế cho quan điểm và lập trường của Việt Nam đối với hành động sai trái của TQ. Cụ thể là tranh thủ thêm sự ủng hộ của Hiệp hội Cảng biển ASEAN (APA) với 10 thành viên quốc gia trong khu vực – có trụ sở chính tại Manila, Philippines; và Hiệp hội Cảng biển Quốc tế (IAPH) với trên 200 đơn vị thành viên trên toàn thế giới – có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản.
Phan Tư
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận