Vận tải

Hiệp hội chủ tàu Việt Nam bàn cách vượt khó khăn

15/04/2016, 15:36

Hiệp hội chủ tàu Việt Nam tổ chức Đại hội VII nhiệm kỳ 2016-2020, bàn biện pháp vượt khó, hội nhập.

DSC_1870

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho rằng những thách thức đối với đội tàu biển Việt Nam là rất lớn

Tại Đại hội lần thứ VII tổ chức sáng nay 15/4, Hiệp hội chủ tàu Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2020 đã tín nhiệm bầu ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hiệp hội.

Nhiệm kỳ 2016-2020, Hiệp hội chủ tàu Việt Nam hoạt động trong bối cảnh Việt Nam thực thi nghĩa vụ thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN và thực thi đầy đủ nghĩa vụ trong các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Từ năm 2016, thị trường vận tải biển ASEAN trở thành một thị trường thống nhất, vốn đầu tư, dịch vụ, lao động, đặc biệt lao động có tay nghề giỏi sẽ tự do di chuyển trong các nước ASEAN.

Phát biểu tại Đại hội, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, những khó khăn, thách thức đối với đội tàu biển Việt Nam là rất lớn. Hàng hóa vận tải đi biển xa hầu như 100% do đội tàu nước ngoài đảm nhiệm. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam mỗi năm nộp cho họ 300 triệu USD riêng tiền phí và lệ phí, do năng lực đội tàu của Việt Nam rất kém. Quản lý nhà nước của Bộ GTVT thời gian qua đã hết sức lắng nghe, tháo gỡ mọi vướng mắc mà doanh nghiệp đề xuất kiến nghị lên. Nay Hiệp hội cần tiếp tục đề xuất, đóng góp các giải pháp để dần tháo gỡ được các khó khăn, tăng dần thị phần của đội tàu Việt Nam lên. 

ảnh tàu VNL

Năm 2015 sản lượng vận tải của đội tàu biển Việt nam tăng 4%, trong khi liên tục tăng trưởng âm nhiều năm trước 

Theo ông Lê Anh Sơn, trong nhiệm kỳ VI (2010-2015) vừa qua, hoạt động của các chủ tàu Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Thị trường vận tải biển suy thoái từ năm 2008, với chỉ số cước thuê tàu chở hàng khô từ 14.000 điểm, đến nay chỉ còn dưới 500 điểm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhiều chủ tàu buộc phải bán tàu, thay đổi ngành nghề kinh doanh khiến Ban chấp hành Hiệp hội khóa VI phải chấp nhận làm thủ tục xóa tên hội viên cho 13 doanh nghiệp thành viên.

Các vụ tranh chấp cũng nhiều hơn, Hiệp hội đã khóa VI đã phải quyết nghị lập Ban pháp chế trực thuộc Hiệp hội để tư vấn pháp lý cho hội viên.

"Thời gian dài vừa qua các chính sách tháo gỡ cho vận tải biển chưa được nhiều, mới đưa ra được một vài cơ chế nhỏ, còn tổng thể thì chưa. Phát triển đội tàu, đưa kinh tế biển lên vị trí số 1 là chính sách lớn của nhà nước, các doanh nghiệp vận tải biển không chỉ cần ý chí, mà còn phải cùng nhau hành động mạnh mẽ, để thuyết phục được các bộ ngành, doanh nghiệp chủ hàng, ngân hàng... cùng vào cuộc với các chủ tàu biển vượt qua khó khăn", ông Sơn đề xuất. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.