Ngành GTVT Thanh Hóa đang từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở dữ liệu, kết nối liên thông trong việc thực hiện "số hóa" trên lĩnh vực quản lý.
"Số hoá" trong từng lĩnh vực
Ông Phạm Văn Chung, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GTVT Thanh Hoá) cho biết, hiện nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức của Sở GTVT đã thực hiện ký số văn bản, tạo lập hồ sơ điện tử và xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử (trừ văn bản có nội dung thuộc mật nhà nước theo quy định).
Trong năm 2023, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Các thủ tục hành chính (TTHC) có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến được Sở GTVT Thanh Hoá triển khai kịp thời. Đến nay, Sở đã có 114/138 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Sở cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi Giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi Giấy phép lái xe do ngành GTVT trên Cổng DVC quốc gia trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 05/12/2023 đã tiếp nhận 5.630 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi Giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thực hiện Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 25/02/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về Quyết định Ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung và dịch vụ chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Sở GTVT Thanh Hoá chủ trì quản lý và chia sẻ dữ liệu bao gồm: CSDL giấy phép lái xe tỉnh Thanh Hóa; CSDL kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; CSDL quản lý vận tải trên địa bàn tỉnh.
Đối với CSDL giấy phép lái xe tỉnh Thanh Hóa đã được liên thông với CSDL giấy phép lái xe toàn quốc và liên thông dữ liệu với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, dịch vụ chia sẻ dữ liệu giấy phép lái xe qua hệ thống của Cục đường bộ Việt Nam (https://gplx.gov.vn).
Đối với CSDL kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải trên địa bàn tỉnh, thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, Sở GTVT đang triển khai thực hiện đề án: Xây dựng CSDL và phần mềm quản lý về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Xây dựng hệ thống kiểm soát giao thông công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hai dự án này đã có báo cáo trình UBND tỉnh Thanh Hoá xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ông Phạm Văn Chung, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính cho biết: "Hiện nay, trang thông tin điện tử của Sở GTVT được cập nhật đầy đủ, kịp thời, đúng các quy định của pháp luật; phục vụ tích cực cho công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo Sở và nhu cầu tìm hiểu, cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động của ngành giao thông vận tải cho cá nhân, tổ chức và cán bộ, công chức trong cơ quan".
Hệ thống phản hồi Thanh Hóa đã hỗ trợ tốt việc tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên nền tảng internet, là kênh tương tác giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan chức năng về các vấn đề phát sinh cần giải quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đời sống dân sinh và sản xuất, kinh doanh.
Quản lý giao thông bằng công nghệ
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho rằng: Để góp phần trong việc hoàn thiện chuyển đổi số, trước hết phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, người dân và doanh nghiệp, phát triển chính phủ số, kinh tế số trong ngành GTVT.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của từng cơ quan, tổ chức.
Song hành với đó, các thiết bị viễn thông, CNTT phục vụ cho hệ thống giao thông thông minh được bảo đảm đầu tư đồng bộ trong các dự án xây dựng về kết cấu hạ tầng giao thông. Ứng dụng nền tảng công nghệ Io trong quản lý, vận hành các thiết bị đầu, cuối của hệ thống giao thông thông minh để hướng tới khả năng hỗ trợ điều khiển và tự động hóa từ xa trên môi trường mạng máy tính.
Mặt khác, phát triển các nền tảng tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên dùng để hình thành nên hệ sinh thái trong giao thông thông minh. Ứng dụng các nền tảng công nghệ thanh toán điện tử hiện đại vào hoạt động thu phí để tăng cường sự thông suốt, ATGT như: thu phí điện tử không dừng đối với các phương tiện tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát thẻ vé, thu phí liên thông trong mạng lưới giao thông công cộng; quản lý thu phí tự động tại các bãi đỗ xe; thu phí, lệ phí hàng hải điện tử cho tàu thuyền vào, rời cảng biển…
Sở GTVT Thanh Hoá xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần phải ưu tiên thực hiện nhằm hình thành các dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính.
"Chuyển đổi số trong ngành GTVT nhìn chung đã được quan tâm triển khai bước đầu, tuy nhiên chỉ là ứng dụng CNTT trong một số lĩnh vực đơn lẻ, một số công đoạn trong quy trình nghiệp vụ, tính chia sẻ và khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước chưa cao", Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hoá cho hay.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, các nhiệm vụ, giải pháp phải thực hiện nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo hiệu quả; đầu tư trọng tâm trọng điểm; cải cách mạnh mẽ các quy trình nội bộ nhằm giảm thời gian, giải phóng nhân lực, đáp ứng kịp thời thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành trong giai đoạn mới...
Để chuyển đổi số trong ngành GTVT Thanh Hoá đạt được nhiều hiệu quả hơn nữa, Sở GTVT cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06, các dự án chuyển đổi số của ngành để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo an ninh, an toàn.
Ngoài ra bố trí kinh phí tuyên truyền; nâng cấp trang thông tin điện tử; đầu tư trang thiết bị đầu cuối cho cán bộ công chức, viên chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính; duy trì, khai thác, chia sẻ, nâng cấp cơ sở dữ liệu...
Thời gian qua, Thanh Hóa xác định chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính: Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong đó, việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng Chính phủ số đã có bước đột phá quan trọng và đạt được nhiều kết quả.
Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số DTI năm 2022 do Bộ TT&TT vừa công bố cuối tháng 7/2023, tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 15/63 tỉnh, thành về chuyển đổi số. Cụ thể, Thanh Hóa xếp thứ 16 về mức độ xây dựng chính quyền số, xếp thứ 14 về kinh tế số và thứ 13 cả nước về các hoạt động xã hội số.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận