Căng băng rôn đỏ các toà nhà, khu đô thị diễn ra ngày càng nhiều, lan truyền như một hiệu ứng từ dự án này sang dự án khác, từ quận này sang quận khác và từ nơi này sang nơi khác. Chẳng hạn, cư dân Chung cư phục vụ cán bộ công chức hiện đang công tác tại Quốc hội (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) phản đối chủ đầu tư cố tình trì hoãn tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu. Cư dân Chung cư CT7-Booyoung Mộ Lao, quận Hà Đông căng băng rôn đòi lại lối đi.
Gần đây nhất, hàng trăm cư dân bủa vây dự án The Emerald tại Đình Thôn, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội, yêu cầu chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư Bất động sản Mỹ Đình đối thoại, thực hiện cam kết hợp đồng. Họ cho rằng dự án này tồn tại nhiều vấn đề, thiếu công khai minh mạch.
Điển hình như anh L.T.N, khách hàng mua căn hộ 0909, toà E3, tham gia hoạt động kinh doanh nên rất coi trọng phong thuỷ. Vì vậy, khi mua nhà chọn hướng hợp tuổi, cửa chính, ban thờ hướng Tây, bếp hướng Tây Bắc. Trong thời gian xây dựng, anh N., thuê thiết kế, mua sắm nội thất sẵn chờ dọn về nhà mới. Trước khi nhận bàn giao xin chủ đầu tư lên xem trước mới ngã ngửa vì phòng xây ngược lại và không nhận được bất kỳ thông báo nào từ chủ đầu tư. Đã nhiều lần gửi văn bản, liên hệ yêu cầu đối thoại nhưng không nhận được phản hồi. Do vậy, anh N. và hàng trăm cư dân khác đã lựa chọn hình thức căng băng rôn đòi quyền lợi tại dự án.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về hiệu ứng băng rôn đỏ, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản nhận định: "Khi người ta căng băng rôn là có bức xúc, tranh chấp, mâu thuẫn về quyền lợi. Lợi ích các bên không được thống nhất. Không đến được với nhau. Việc làm đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Xây dựng chưa đúng quy hoạch, chất lượng xây dựng không đúng cam kết, chi phí dịch vụ thực thu cao so với thực tế chất lượng dịch vụ... Nguyên nhân không chỉ xuất phát từ chủ đầu tư, đôi khi khách hàng cũng có những đòi hỏi thái quá các giao kèo, cam kết. Ngoài ra, cũng có những nguyên nhân khác như các vấn đề quản lý nhà nước, điều hành, giám sát tại dự án có buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm... Khi tất cả các vấn đề quyền lợi không được đáp ứng, bản thân người dân không biết phải kêu ở đâu nên dùng đến áp lực bôi xấu hình ảnh của chủ đầu tư trước. Đó là bài toán nhanh nhất. Chủ đầu tư không muốn xấu thì phải xử lý".
Theo ông Đính, có rất nhiều hình thức đấu tranh. Mỗi hợp đồng cũng ghi rõ khi có tranh chấp thì gửi đơn kiện ra toà, toà sẽ căn cứ trên cơ sở pháp lý, quyền lợi để đưa ra phán quyết công bằng. Kiện ra toà là đấu tranh văn minh, đúng luật.
"Treo băng rôn là hình thức đấu tranh không đẹp, không văn minh. Đẹp ở đây không phải hiểu "chơi đẹp" mà là không đẹp hình ảnh đô thị, không đẹp toà nhà, không đẹp không gian sống. Ngoài việc gây xấu hình ảnh đô thị nó còn có tác động đến thị trường bất động sản. Việc làm này tạo ra tâm lý e ngại, dè dặt trong mua bán, tin tưởng đối với người hành nghề môi giới", ông Đính nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận