Các Nghị sĩ Mỹ đeo mặt nạ dưỡng khí vội vã đi trú ẩn sau khi người biểu tình gây hỗn loạn
Hình ảnh Nghị trường náo loạn tưởng chỉ có thể xuất hiện tại những đất nước bất ổn, an ninh kém hoặc đang diễn ra “cách mạng màu” thì nay lại nổ ra tại siêu cường Hoa Kỳ, thậm chí còn khiến 4 người thiệt mạng. Sau sự việc này, hình ảnh nước Mỹ không chỉ trở nên xấu xí, tạo cơ hội cho các đối thủ lợi dụng chỉ trích mà có thể còn khép lại cánh cửa đối với tham vọng chính trị của ông Trump.
Cuộc bạo loạn nhân danh dân chủ
Sự kiện ngày 6/1 theo giờ địa phương (tức rạng sáng 7/1 theo giờ Việt Nam) đánh dấu lần đầu tiên trụ sở liên bang Mỹ bị tấn công trong vòng 200 năm trở lại đây, kể từ sự kiện Anh phóng hoả toà nhà Quốc hội Mỹ (điện Capitol) trong cuộc chiến năm 1812.
Có khác chăng lần này người tấn công không phải thế lực bên ngoài mà từ chính người dân Mỹ - những người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, phản đối kết quả bầu cử Mỹ 2020.
Sau cuộc mít-tinh có sự tham dự của ông Trump, người biểu tình kéo về trụ sở Quốc hội, gây náo loạn, trèo tường, vượt rào và xâm nhập vào bên trong khi hai viện của Quốc hội Mỹ đang nghiêm túc kiểm lại phiếu đại cử tri từ các bang gửi lên, để chính thức xác nhận chiến thắng đối với Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Sự việc không chỉ gây rối trật tự buộc các Nghị sĩ đeo mặt nạ phòng độc như cảnh tượng trong chiến tranh hạt nhân, vội vàng chạy trốn xuống hầm trú ẩn mà còn dẫn đến đổ máu, khiến 4 người thiệt mạng, hơn 52 người bị bắt.
Mục đích của những người ủng hộ ông Trump là nhân danh dân chủ nhưng điều một số người làm khi vào được bên trong là lẻn vào phòng các Nghị sĩ, ngồi gác chân lên bàn làm việc, chụp những tấm ảnh “tự sướng” và làm cho sự kiện trọng đại, là biểu tượng của nền dân chủ Mỹ bị gián đoạn.
Bôi nhọ hình ảnh nước Mỹ
Người biểu tình trèo vào toà nhà Quốc hội Mỹ mà gần như không bị ngăn cản
Phải mất nhiều giờ, điện Capitol mới được đảm bảo an toàn, các Nghị sĩ quay trở lại tiếp tục quy trình kiểm phiếu. Cuối cùng, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn không thay đổi, chiến thắng thuộc về ông Joe Biden nhưng nước Mỹ chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể lấy lại uy tín, hình ảnh sau khi gây sốc toàn thế giới như vậy.
Rất nhiều lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ kinh ngạc và lên án những hành động chưa từng có tiền lệ tại Mỹ. Thủ tướng Anh Boris Johnson viết: “Tình cảnh đáng hổ thẹn ngay tại Quốc hội Mỹ. Nước Mỹ đại diện cho dân chủ toàn cầu nên điều quan trọng hiện nay nên là đảm bảo chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và trật tự”.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra thông báo cùng ngày kêu gọi người dân nước này đang sinh sống và làm việc tại Mỹ tránh nơi đông người và đụng độ. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi vụ hỗn loạn này là cuộc tấn công nghiêm trọng vào dân chủ.
Mặt khác, các quốc gia đối thủ với Mỹ như Trung Quốc… nhân sự kiện này chế giễu Washington. Cả ngày vừa qua, mạng xã hội Trung Quốc rần rần bùng nổ bình luận về nền dân chủ Mỹ.
Sáng 7/1, tờ Thời báo Toàn cầu còn đăng hàng loạt bức ảnh so sánh người biểu tình xông vào toà nhà Quốc hội Mỹ với cuộc biểu tình Hong Kong chiếm đóng Tổ hợp Hội đồng Lập pháp thành phố vào tháng 7/2019 vừa qua để cười nhạo giới chức Mỹ. Tờ báo này nhắc lại, trong sự kiện biểu tình tại Hong Kong, giới chức Hoa Kỳ từng ca ngợi những người biểu tình là “can đảm”.
Đóng lại cánh cửa tham vọng của ông Trump
Ông Donald Trump
Với ông Donald Trump, người đang bị cho là “châm ngòi” cho cuộc bạo loạn này phục vụ cho tham vọng chính trị, không chỉ không đạt được mục đích phản đối kết quả bầu cử 2020 mà còn tự tay đóng lại cánh cửa chính trị, gây tổn hại danh tiếng của mình với toàn thế giới.
Trong phản ứng về vụ bạo loạn tại Mỹ, nhiều quan chức quốc tế trong đó có giới chức Liên minh châu Âu thể hiện rõ sự ủng hộ với chiến thắng của ông Biden. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết: “Tôi tin vào sức mạnh dân chủ và thể chế của Mỹ. Cốt lõi chính là việc chuyển giao quyền lực trong hoà bình. Ông Joe Biden đã giành chiến thắng”.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO Jens Stoltenberg kêu gọi: “Cần phải tôn trọng kết quả bầu cử dân chủ”. Thực chất, vì vụ bạo loạn, một nghị sĩ đã thay đổi quyết định vào phút chót và không phản bác kết quả phiếu đại cử tri dành cho ông Biden nữa.
Cuối cùng, sau bao sóng gió, chiều 7/1, theo giờ Việt Nam, Thượng viện và Hạ viện Mỹ xác nhận toàn bộ phiếu đại cử tri dành cho ông Joe Biden trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/12/2020, chính thức công nhận ông Joe Biden đại diện Đảng Dân chủ trở thành Tổng thống Mỹ với 306 phiếu đại cử tri, còn ông Donald Trump đại diện đảng Cộng hòa đạt 232 phiếu.
Ông Trump tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử cuối cùng
Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Trump thông báo không công nhận kết quả bầu cử, nhưng sẽ chuyển giao có trật tự cho chính quyền mới vào ngày 20/1.
“Tôi hoàn toàn không đồng ý với kết quả của cuộc bầu cử và sự thật đứng về phía tôi, nhưng sẽ có một sự chuyển giao có trật tự vào ngày 20/1”, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong tuyên bố rạng sáng 7/1 (giờ Hà Nội) thông qua tài khoản Twitter của trợ lý Nhà Trắng Dan Scavino.
“Tôi luôn nói rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến để đảm bảo rằng chỉ những lá phiếu hợp pháp mới được tính. Dù điều này thể hiện sự kết thúc của nhiệm kỳ đầu vĩ đại nhất trong lịch sử tổng thống, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu cuộc chiến của chúng tôi trong việc Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Donald Trump cho biết thêm.
Lực lượng an ninh phản ứng chậm đến khó hiểu
Mỹ từng tự hào với những Lữ đoàn Không vận 173, Sư đoàn Không vận 82 có thể triển khai tới bất cứ nơi đâu trên thế giới trong 18 tiếng thông báo. Nhưng Vệ binh Quốc gia Đặc khu Colombia (Mỹ) chắc chắn đã có ít nhất 18 tiếng để dự đoán về những rủi ro hỗn loạn, bạo lực có thể nổ ra ở Quốc hội Mỹ, lại chậm trễ tới hàng giờ, cho phép những người gây bạo loạn, tuỳ tiện bao vây toà nhà Quốc hội, phá cửa sổ, trèo qua hàng rào vào bên trong tòa nhà.
Tờ National Interest nêu ra chi tiết đáng chú ý: Vệ binh Quốc gia Đặc khu Colombia thuộc quyền kiểm soát và điều động của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng mà các quan chức tại đây đều mới được ông Trump bổ nhiệm. Trong đó, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller không điều động Vệ binh nếu chưa có lệnh từ Nhà Trắng.
Trong khi đó, Cảnh sát Quốc hội Mỹ lại gần như không làm gì để ngăn chặn người bạo loạn trèo vào toà nhà quốc hội, ngang nhiên tràn vào các văn phòng, đi khắp hành lang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận