Quân sự

Hình ảnh tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đi vào hang động bí ẩn ở Biển Đông

23/08/2020, 18:11

Đây là bức hình chụp từ vệ tinh hiếm hoi, duy nhất cho thấy một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trước khi cơ động vào hệ thống hang động ngầm.

img
Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc chuẩn bị chui vào căn cứ ngầm trên đảo Hải Nam.

Trang Drive của Mỹ hôm 19/8 đã đăng tải một hình ảnh gây nhiều tò mò cho thấy cảnh tượng một tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc cơ động vào một hang ngầm tại căn cứ quay mặt ra Biển Đông trên đảo Hải Nam.

Lần đầu tiên thấy cảnh tàu ngầm thật

Theo trang thông tin của Mỹ, đây là bức hình chụp từ vệ tinh hiếm hoi cho thấy một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trước khi cơ động vào hệ thống hang động bí ẩn ở căn cứ Hải quân Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam.

Gần đây, Trung Quốc cáo buộc phía Mỹ liên tục triển khai các hoạt động do thám dọc bờ biển Trung Quốc với tần suất cao vào ban đêm trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang gia tăng liên quan đến nhiều lĩnh vực và vấn đề.

Căn cứ hải quân Ngọc Lâm quy mô lớn và bí mật của Trung Quốc trên đảo Hải Nam là một trong những lợi ích chiến lược lớn nhất mà Bắc Kinh sở hữu trong khu vực châu Á Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.

Đây là nơi có hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của Trung Quốc - xương sống của lực lượng răn đe tấn công lần thứ hai - cũng như các tàu ngầm tấn công thông thường và tàu chiến mặt nước khác.

img
Tàu ngầm hạt nhân lớp Thương của Hải quân Trung Quốc.

Căn cứ Ngọc Lâm nằm ở rìa phía bắc của Biển Đông có nhiều tranh chấp về chủ quyền vẫn đang diễn ra, trong đó Trung Quốc tuyên bố đòi chủ quyền phi pháp đối với phần lớn diện tích vùng biển. Phía đông của nó là cửa ngõ vào Thái Bình Dương và đảo Đài Loan.

Tính năng hấp dẫn nhất của cơ sở này là hang ngầm bí ẩn được xây dựng vào sườn của một ngọn núi nằm ở cuối phía nam của nơi lắp đặt.

Theo trang Drive, dặc dù họ đã nhìn thấy các hình ảnh vệ tinh chụplại cảnh các sà lan đậu quanh khu vực cửa mở, nhưng chưa bao giờ thấy một chiếc có tàu ngầm thực sự đang sử dụng nó, cho đến tận bây giờ.

Trang thông tin quân sự - chiến lược của Mỹ nói rằng, hệ thống hang động tàu ngầm của ở Ngọc Lâm thu hút sự quan tâm chiến lược rất cao của Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong khu vực trong bài viết trước đây họ từng đề cập.

Năm 2018, báo The Diplomat của Nhật Bản cũng có một bài viết trong đó trích dẫn nhận định của các chuyên gia quân sự nổi tiếng nói về căn cứ hải quân Ngọc Lâm của Trung Quốc bố trí trên đảo Hải Nam.

Căn cứ quy mô và bí mật nhất ở Biển Đông

Theo đánh giá, Ngọc Lâm, được mệnh danh là căn cứ quân sự chiến lược quan trọng nhất ở Biển Đông. Trên thực tế, danh hiệu này có được là nhờ vào lưu lượng tàu ngầm hạt nhân hiện tại ra vào cơ sở ngầm của căn cứ này.

img
Hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ Ngọc Lâm cùng các chú thích mô tả được công bố năm 2018.

Các thiết bị quốc phòng đã được Trung Quốc triển khai từ lâu, các trang thiết bị bảo vệ dường như cũng đã hoạt động từ nhiều năm trước, bao gồm các tòa nhà hành chính, hệ thống vận chuyển bom, và các công trình bảo vệ mặt đất và hầu hết lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải đã ẩn mình sâu trong các dãy núi.

Nhờ sự kết hợp giữa các tàu mặt nước, hệ thống pháo phòng không đa tầng và vũ khí chống hạm, cùng tàu ngầm tấn công thông thường và tàu ngầm răn đe hạt nhân, giá trị chiến lược của căn cứ quân sự Ngọc Lâm ngày càng gia tăng.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng ngày càng phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông và các tuyến đường biển xung quanh.

Các nguồn tin tình báo được The Diplomat từng trích dẫn đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về đảo Hải Nam, căn cứ quân sự đang được củng cố và ngày càng trở nên quan trọng.

img
Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạo đạo chiến lược lớp Tấn của Hải quân Trung Quốc.

Phía Đông căn cứ Ngọc Lâm nằm trong một bến cảng nhân tạo được bảo vệ cẩn mật với cơ sở hạ tầng quân sự hơn 25 km2. Căn cứ này có thể chứa các tàu ngầm và tàu mặt nước và tất cả các trang thiết bị cần thiết, các hệ thống vũ khí phòng thủ, các phương tiện vận chuyển và kho bãi, cùng các công trình hành chính cho các nhà chỉ huy quân sự.

Việc xây dựng căn cứ này đã được Trung Quốc bắt đầu vào năm 2000 và đến nay cơ bản nó đã được hoàn thành. Khu phức hợp quân sự kéo dài này cho thấy gần 20 năm nỗ lực của Trung Quốc.

Khu bảo vệ tự nhiên của vịnh Á Long được một ngọn núi cao che chắn. Trung Quốc đã không bỏ qua lợi thế này khi tận dụng ngọn núi thành nơi ẩn giấu của các vũ khí răn đe hạt nhân.

Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc có lẽ cũng hiểu rằng những lợi thế về địa chất không thể đảm bảo chiến thắng nên nước này đã xây dựng một bức tường khổng lồ trên biển bao quanh Ngọc Lâm.

Các bức ảnh vệ tinh chụp trong vòng gần 20 năm qua đã nói lên những nỗ lực và chi tiêu khổng lồ của Trung Quốc dành cho căn cứ Ngọc Lâm.

Tài sản có giá trị cao nhất của căn cứ Ngọc Lâm là tàu ngầm và các hạ tầng liên quan. Căn cứ hải quân này có 4 cầu tàu có khả năng nối với bất cứ tàu ngầm nào của Hải quân Trung Quốc, trong đó có tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Thương.

Các bức ảnh vệ tinh được chụp trong nhiều năm qua cho thấy trên các cầu tàu đã xuất hiện hoạt động vận chuyển vũ khí, nhưng vẫn còn nhiều suy đoán rằng liệu việc vận chuyển – tháo – nạp vũ khí có diễn ra bên trong các hạ tầng dưới lòng đất hay không.

Yếu huyệt của căn cứ Ngọc Lâm

img
Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên của PLA.

Theo các chuyên gia quân sự, dù kiên cố và quy mô nhưng căn cứ này không phải là một địa điểm lý tưởng, vì một vụ nổ xảy ra bất ngờ sẽ làm tăng nguy hiểm trong không gian kín dưới lòng đất, đặc biệt là khi chúng có chứa vũ khí chiến lược.

Trong điều kiện có chiến tranh hoặc trong nỗ lực bảo vệ bí mật quan trọng, Trung Quốc có thể chấp nhận nguy cơ này và thiết lập các vũ khí nổ bên trong cơ sở ngầm dưới mặt đất.

Cho đến nay, chưa có tài liệu đầy đủ về việc có tồn tại nguồn vũ khí chiến lược và thông thường của tàu ngầm ở căn cứ Ngọc Lâm hay không, nên câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thực hiện các hoạt động này trong cơ sở dưới lòng đất ngay bên trong lòng núi hay không?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.