Nhưng mấy hôm nay không thấy cậu em gọi nữa, mọi người lấy làm lạ. Gọi điện hỏi thăm mới biết, cậu vừa bị tai nạn ngã xe máy, may chỉ xước xát mặt mày chứ không bị chấn thương nặng, nhưng cũng phải nghỉ làm cả tuần.
Cậu em kể, tối đó đi nhậu về khuya, trong người đã chếnh choáng nhưng vẫn ý thức được những tuyến đường mà cảnh sát lập chốt thổi nồng độ cồn. Vậy là cậu tìm đường vòng để đi. Lúc đó vì phóng nhanh, không làm chủ được tay lái nên cậu tự ngã ra đường. "May lúc đó vắng, chứ có ô tô đi ngay đằng sau thì không biết thế nào", cậu em kể.
Cậu em tôi kể ở trên chỉ là một trong số nhiều bạn bè, anh em của tôi vẫn giữ thói quen xách xe đi nhậu, dù biết thừa công an làm rất nghiêm việc xử lý nồng độ cồn. Khi đã say, họ vẫn sẵn sàng lái ô tô hay xe máy, một mực cho rằng "không sao cả", dù tôi có can ngăn.
Riêng tôi thì từ lâu đã có thói quen bắt taxi hoặc GrabBike mỗi dịp tụ tập anh em, bạn bè ở ngoài. Trước tôi cũng có thói quen lái xe máy như cậu em kia, nhưng sau hai lần bị phạt nặng, tôi thực sự đã biết sợ!
Một số người bảo rằng, họ chưa thể quen với việc bắt taxi hay Grab để đi nhậu, việc tự lái xe thoải mái và tiện hơn rất nhiều. Nhưng sau mỗi trận nhậu, ai cũng nơm nớp lo bị công an thổi phạt, vừa uống vừa nghĩ xem lát nữa nên đi đường nào về để không gặp chốt. Tôi hỏi "sợ sao còn đi xe?", họ không trả lời được.
Giờ cũng đã là dịp cuối năm, có lẽ không chỉ những người bạn, anh em của tôi mà còn rất nhiều người khác sẽ có tần suất nhậu nhẹt dày hơn trước đây.
Thói quen nâng ly trong những lần gặp mặt, liên hoan, vào những dịp lễ, Tết hay sự kiện quan trọng đã trở thành tập tục từ lâu của nhiều người dân, thậm chí là một phần trong nét văn hóa ẩm thực truyền thống của người Việt.
Tuy nhiên, đã uống bia rượu rồi lái xe thì không cần nói ai cũng biết nguy hiểm thế nào.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, nhiều người đã bị phạt rất nặng. Nhưng tình trạng "ma men" lái xe vẫn cứ xảy ra. Vì sao lại như vậy?
Thay đổi một thói quen lâu ngày quả thực không dễ dàng chút nào. Và để hình thành thói quen mới, trong trường hợp này là "đã uống rượu bia thì không lái xe" càng khó hơn. Nhưng khó không có nghĩa là không thể thay đổi.
Mức phạt hiện nay với vi phạm nồng độ cồn đã tương đối nghiêm khắc. Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia đã có ý kiến đề xuất, vẫn cần nghiên cứu tăng nặng chế tài, tước bằng lái vĩnh viễn, thậm chí phạt tù cả những người say quá mức kể cả khi họ chưa gây ra tai nạn. Có khi lúc đó ý thức của nhiều người sẽ nâng lên thì sao?
Hiện nay lực lượng chức năng đã làm rất quyết liệt và hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thừa nhận rằng, cho dù lực lượng chức năng có ứng trực, hoạt động ở mức cao nhất thì cũng không thể phát hiện, ngăn chặn, xử lý hết được người vi phạm.
Vì vậy, làm sao có thể nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen vẫn là điều quan trọng nhất, bền vững nhất. Muốn thay đổi thói quen thì không chỉ có trừng phạt nghiêm khắc, mà việc tuyên truyền giáo dục cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận