Xem - ăn - chơi

Hình tượng Bà Chúa Kho lần đầu lên sân khấu chèo

03/10/2017, 10:05

Bà Chúa Kho là vở diễn thể loại dã sử, nằm trong kế hoạch xây dựng vở mới của Nhà hát Chèo Việt Nam.

29

Một cảnh trong vở chèo “Bà Chúa Kho”

Đây là lần đầu hình tượng cuộc đời nhân vật Bà Chúa Kho được xây dựng trên sân khấu chèo.

Nhiều tình tiết hư cấu

Từ xưa tới nay, trong dân gian có nhiều tương truyền và dị bản về hình tượng Bà Chúa Kho. Xuất phát từ nguồn nghiên cứu của nhà nghiên cứu Thiên Việt, tác giả Lê Thế Song đã phát triển câu chuyện về Bà Chúa Kho thành kịch bản sân khấu chèo. Theo đó, bà là Công chúa Lý An Quốc, con của Thứ phi Lê Thị Mai với vua Lý Thánh Tông. Bà đã đứng ra giúp người dân xứ Cổ Mễ, trấn Kinh Bắc khai điền trị thủy, đắp đập quai đê, dạy dân phát triển nghề nông, xây dựng kho lương cho triều đình. Bà cũng là người trực tiếp đương đầu với quân Tống trong trận Như Nguyệt và hy sinh. Bà đã được các vị vua đời sau truy phong là Phúc Thần Liệt Nữ và được nhân dân tôn vinh là Thánh Mẫu, là Bà Chúa Kho.

Hiện tại, vở diễn mới thực hiện xong nên chưa có thông tin cụ thể về kinh phí. Tuy nhiên, theo ước tính của đạo diễn Đoàn Vinh cũng khoảng 500-700 triệu đồng. Trong khi đó, nói về kế hoạch biểu diễn, Nghệ sĩ Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, nhà hát dự kiến sẽ đưa vở diễn đi phục vụ các lễ hội. Đồng thời, cũng tiếp cận với những nơi có tích về Bà Chúa Kho để có thể đưa đoàn về diễn, vừa có thêm thu nhập cho nghệ sĩ, vừa quảng bá nghệ thuật. Nghệ sĩ Thanh Ngoan tiết lộ, ngay khi nhà hát giới thiệu vở diễn, các lãnh đạo của tỉnh Bắc Ninh đã rất ủng hộ và muốn mời Bà Chúa Kho về tỉnh này biểu diễn. 

Đạo diễn Đoàn Vinh cho biết, những vở diễn về các danh nhân văn hóa, nhân vật lịch sử, có yếu tố tâm linh đều được nhà hát làm hết sức cẩn trọng. Khi dựng hình tượng nhân vật Bà Chúa Kho, đích thân anh đã về hai địa điểm là thôn Quả Cảm, TP Bắc Ninh - nơi đặt lăng mộ Bà Chúa Kho và Đền Bà Chúa Kho để thắp hương và xin phép dựng vở. Theo đạo diễn Đoàn Vinh, những thông tin về Bà Chúa Kho rất mỏng nên ê-kíp gặp nhiều khó khăn trong khâu kịch bản. Để xử lý vấn đề này, anh đã đưa bối cảnh câu chuyện về hoàn cảnh quy định tại một miền quê nghèo. Nhiều chi tiết cũng phải hư cấu thêm, ví như cảnh bà hy sinh thân mình, nguyện làm bó đuốc để thắp lên ngọn lửa giết giặc. “Tình tiết hư cấu chỉ nhằm mục đích nêu bật công trạng của bà dành cho đất nước. Tôi muốn thông qua vở diễn có thể góp phần giáo dục đạo đức truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn cho mọi người. Thế hệ trẻ hiện nay, nhiều người không quan tâm tới lịch sử, truyền thống mà sống rất vị kỷ, bàng quang với lịch sử”, đạo diễn nhấn mạnh thêm.

Mặc dù được khai trương từ tháng 3, do lịch trình bận rộn, đến tháng 9 vở mới được công diễn. Vở diễn được dàn dựng trong 2 tháng với khoảng 60 diễn viên của Đoàn Nghệ thuật I - Nhà hát Chèo Việt Nam tham gia. Đây cũng là một khó khăn với đạo diễn, bởi việc phải tập hợp đông đảo diễn viên tham gia diễn tập là điều không mấy dễ dàng, dù họ chỉ đóng vai phụ. Sân khấu được thiết kế với bục bệ đơn giản thường thấy và sử dụng thủ pháp ước lệ về bối cảnh không gian, thời gian với những hình ảnh của xây đê, đắp đập, xây dựng kho lương tích trữ… “Với không gian của chèo, không thể tả thực như điện ảnh hay kịch nói được. Vì thông qua nghệ thuật biểu diễn bằng thủ pháp ước lệ, người ta vẫn thấy hiện lên được câu chuyện muốn nói”, đạo diễn Đoàn Vinh tâm sự.

Loay hoay bán vé

Nghệ sĩ Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, các vở diễn có đề tài lịch sử dân gian đều rất phù hợp với phong cách của sân khấu chèo. Với vở Bà Chúa Kho, chị mong muốn khán giả ngoài hiểu thêm tích về Bà Chúa Kho còn rút ra được những bài học ẩn sâu trong đó mà rất mang tính thời sự hiện nay. Theo nghệ sĩ Thanh Ngoan, Công chúa Lý An Quốc là cành vàng lá ngọc, nhưng đã sẵn sàng bỏ nơi kinh thành về sống với dân, giúp dân cày cấy lao động, giúp dân chống đói, xây dựng kho lương thực. Khi đứng giữa sự sống và cái chết, bà chấp nhận hy sinh cho đất nước, quê hương.

“Hiện nay, mọi người thường đi lễ ở Đền Bà Chúa Kho và vẫn có thói quen hóa vàng không mấy tiết kiệm. Họ đi đủ các đền, chùa để cầu mong giàu có, nhiều tiền của. Trong vở diễn, bà Chúa cũng là người lao động, yêu lao động. Bởi thế, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp rằng, chúng ta hãy lao động chứ không phải chỉ đi cầu rồi chờ tài lộc đến. Vở diễn rất nhẹ nhàng nhưng ẩn sâu trong đó là tính nhân văn, giáo dục cao”, chị chia sẻ.

Buổi công diễn vở chèo Bà Chúa Kho vào ngày 30/9 vừa qua tại Nhà hát Chèo Kim Mã khá thưa vắng khán giả. Lý giải điều này, nghệ sĩ Thanh Ngoan thừa nhận, nhà hát không làm mạnh về truyền thông như những nhà hát khác mà chủ yếu chỉ quảng bá trên facebook cá nhân diễn viên và fanpage của nhà hát. Nhà hát cũng không chủ trương phải khoa trương, cách điệu quá nhiều. Nghệ sĩ Thanh Ngoan quan điểm, bán vé chứ không mời nhiều. “Dù có ít hay nhiều khán giả đi chăng nữa thì vẫn làm, vì chúng ta phải làm khán giả quen với việc mua vé thưởng thức nghệ thuật. Chúng tôi chỉ mời những đối tác, hoặc những người biết thưởng thức để quảng bá cho mình”, nghệ sĩ Thanh Ngoan bộc bạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.