Hậu trường sao

HLV 82 tuổi và kỷ lục 9 lần vô địch giải Việt dã toàn quốc

25/06/2020, 11:30

Cuộc đời HLV điền kinh Bùi Lương là một thước phim dài của đam mê, ý chí và nghị lực.

img
HLV Bùi Lương trong một lần chỉ đạo học trò thi đấu

Sáng ngủ dậy chạy 5km, mỗi bữa ăn 2 bát cơm, chiều chơi với mấy ông cụ trong xóm, HLV gạo cội Bùi Lương chỉ dừng việc huấn luyện cho lớp trẻ vào đầu năm 2020 khi ông ở tuổi 82. Cuộc đời ông là một thước phim dài của đam mê, ý chí và nghị lực.

82 tuổi đời, 64 năm chạy

Trưa một ngày đầu tháng 6, tôi được một người đàn ông nhỏ thó, tóc và chân mày đều bạc trắng nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, đôi mắt tinh ra tận chân cầu thang chung cư đón. Đó là HLV điền kinh Bùi Lương. Vợ chồng ông ở trong căn hộ chung cư cũ vỏn vẹn chưa đầy 20m2 do ngành thể thao Hà Nội bán với giá ưu đãi cách đây gần 20 năm. “Bà xã tôi vào Nam thăm họ hàng, mình tôi ở nhà nên cháu cứ tự nhiên”, ông mở lời khi dẫn khách vào nhà.

Trong nhà không có nhiều đồ vật giá trị. Thứ quý giá nhất theo chủ nhân là chiếc cúp ở giải Việt dã toàn quốc báo Tiền Phong lần thứ nhất (1958) do nhà vô địch Olympic Zatopek (Tiệp Khắc) trao tặng nhờ thành tích về Nhì.

Bên bộ bàn ghế salon cũ đã úa màu, bất giác tôi thấy đôi chân ông tuy nhỏ nhưng những thớ cơ vẫn săn chắc, gót chân chai sần giống như vỏ cây xà cừ cổ thụ. Vừa rót trà ông vừa ôn tồn: “Cháu đến chơi, bác cháu trò chuyện chân tình. Cháu viết sao thì viết, đừng làm quá lên, người ta lại bảo ông già hám danh”, ông tủm tỉm cười, bắt đầu kể về cuộc đời mình và cơ duyên gắn bó với điền kinh.

Cha ông vốn quê Hải Dương, vào Nam lập nghiệp, lấy vợ rồi sinh 4 anh em ông ở TP HCM. Hồi học cấp II, ông bắt đầu chạy nhằm rèn luyện sức khỏe. “Mấy anh em tôi chạy vào sáng sớm, qua con đường gần nhà, chừng 2 - 3km. Chẳng thể ngờ rằng những bước chạy ngày đó theo tôi tới tận bây giờ”, ánh mắt ông nhìn xa xăm.

Năm 1954, ông ra Bắc tập kết và đi học ở Hải Phòng. Nơi xa lạ, ông Lương vẫn giữ thói quen cũ. Các thầy thấy cậu học trò nhỏ có năng khiếu nên đăng ký cho cậu tham dự giải chạy thành phố năm 1957. Chàng trai trẻ giành vị trí thứ 3 nội dung 10km và cũng đứng thứ 3 chung cuộc nội dung này ở giải toàn miền Bắc tổ chức tại Hồ Gươm không lâu sau. Rồi ông được biên chế vào Đội Điền kinh Hải Phòng.

“Sau đó tôi nghỉ học, xin vào nhà máy xi măng làm việc. Làm ca sáng thì tôi tập chạy buổi chiều, làm chiều thì tập sáng. Hôm nào tăng ca cả ngày thì tập tối”, ông Lương nhớ lại.

img
Ảnh cưới của vợ chồng HLV Bùi Lương

Nhờ sự cần mẫn, năm 1958, ông về Nhì giải Việt dã toàn quốc báo Tiền Phong. Năm 1959, ông xung phong đi bộ đội nhưng vẫn tiếp tục giữ thói quen chạy. “Tôi thường dậy từ 4h sáng, chạy trên những con đường đất. Các anh ở đơn vị thấy lạ bởi trong quân đội vốn đã rèn luyện rất nhiều. Tôi chỉ nói rằng tôi chạy cho khỏe nhưng thực tế mình không chạy thì thấy bứt rứt lắm”, HLV Bùi Lương kể.

Rồi ở buổi hội thao đơn vị, ông Lương về Nhất, bỏ xa đồng đội. Lúc này, ông mới thừa nhận trước thủ trưởng rằng mình vốn xuất thân là “dân chạy”. “Gần như tất cả các giải chạy của Sư đoàn Phòng không, giải toàn quân tôi đều vô địch mọi cự ly từ 1,5km đến 10km. Năm 1961, tôi Vô địch giải Việt dã Tiền Phong trong màu áo Đoàn Quân đội. Nhưng cũng vì thế mà Hải Phòng phát hiện ra nên tới “đòi” vì họ cho rằng tôi vẫn là người của Đội Điền kinh Hải Phòng. Tôi về lại Hải Phòng trước khi lên tuyển năm 1962”, HLV lão làng kể.

Năm 1970, đội tuyển điền kinh giải tán, ông về đầu quân cho Hà Nội, vừa huấn luyện vừa thi đấu và học đại học. Hoàn thành xong chương trình đại học khi đã hơn 40 tuổi, ông quyết định chuyển hẳn sang huấn luyện. “Tôi không thể đếm hết được những danh hiệu mình đã giành được. Chỉ nhớ tôi có 9 lần vô địch giải Việt dã toàn quốc, đến giờ vẫn chưa ai có thể vượt qua thành tích này. Tôi cũng lập một kỷ lục nội dung marathon năm 1968 với thời gian 2 giờ 32 phút. Mãi năm 2003, Nguyễn Trí Đông mới phá kỷ lục này khi chạy hết 2 giờ 21 phút”, ông nhớ lại.

Quãng thời gian ông Bùi Lương huấn luyện điền kinh cũng ly kỳ, nhiều giai thoại nhưng ông nhớ nhất là lần phát hiện ra VĐV Đặng Thị Tèo. “Hồi tôi làm trong Đội Điền kinh Hà Nội, cứ cuối tuần tôi lại đạp xe ra ngoại thành để tìm quân. Đầu năm 1984, tại công trình đắp đê huyện Phúc Thọ (Hà Tây cũ), tôi phát hiện ra em Đặng Thị Tèo. Em kéo xe cải tiến chở đất đi băng băng, leo dốc rất khỏe dù người mảnh khảnh.

Tôi theo dõi một buổi sáng, thấy em kéo liên tục mà không xuống sức, rõ ràng có sức mạnh và sức bền rất tốt, phù hợp với chạy dài. Sau đó, tôi trao đổi với lãnh đạo địa phương xin cho em tập điền kinh, hướng cho em phát triển tối đa năng lực sẵn có. Tèo lần đầu thi đã thắng giải huyện, giải chạy báo Hà Nội mới, vượt qua nhiều chân chạy xuất sắc đương thời. Sau này, Tèo lên tuyển, được dự Olympic 1992 ở Barcelona”, ông Lương chia sẻ.

Năm 2002, ông Lương được điều động lên đội tuyển, công tác 7 năm trước khi tham gia công tác huấn luyện cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng rồi vào tận Bình Phước. Mãi tới đầu năm 2020 ông mới quyết định nghỉ huấn luyện. Các lứa học trò của ông nhiều người thành danh, đoạt thành tích xuất sắc trong nước lẫn quốc tế. Tiêu biểu có Đặng Thị Tèo, Trúc Vân, Nguyễn Viết Lợi… “Tính ra, 82 năm sống trên đời, tôi có tới 64 năm gắn bó với đường chạy”, vị HLV 82 tuổi trầm ngâm.

Vì đam mê mà gắn bó

img
HLV Bùi Lương bên chiếc cúp pha lê vô giá. Ảnh: Gia Hưng

“Nếu không có đam mê, tôi đã bỏ điền kinh từ những năm 1960, 1970. Thời đó, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, chúng tôi vừa chạy vừa phải trú bom. Máy bay đi khỏi lại từ hầm trú ẩn lên chạy tiếp. Tôi nhớ, năm 1970, giải Việt dã Toàn quốc tổ chức ở Hòa Bình. Đang chạy thì máy bay địch ném bom, tôi bị một mảnh bom bắn vào đùi, vừa chạy vừa lấy tay ấn chặt. Năm đó tôi về Nhất”, ông kể.

Thoáng chút buồn, ông kể: “Năm 1967, khi chuẩn bị bước vào giải Việt dã Toàn quốc thì tôi hay tin người yêu ở Hải Phòng mất vì trúng bom. Nén đau thương, tôi tiếp tục ở lại dự giải. Lần đó do quá đau thương, những ngày trước lại ăn ngủ không trọn vẹn nên tôi không chạy được. Tới năm 1968, tôi đã lập kỷ lục, coi đây là món quà tặng bạn gái đã khuất”.

Ngoài việc luôn phải đối mặt với tử thần trên đầu, huyền thoại điền kinh Việt Nam cho biết, thời của ông, mọi thứ đều rất thiếu thốn. “VĐV bây giờ hẳn không thể hình dung được những gì tôi phải trải qua. Chúng tôi phải chạy bằng giày bata Thượng Đình, áo thì mặc áo của dệt kim Đông Xuân, quần được tái chế từ những bao bột mì cũ đem giặt sạch rồi nhuộm”, ông nhớ lại.

Rời xa đời sống thể thao nhưng theo HLV Bùi Lương, ông không thể dừng chạy bởi không chạy ông cảm thấy chân tay khó chịu: “Với tôi, còn sống là còn chạy, chạy như để tồn tại. Mỗi ngày tôi chạy khoảng 5km vào buổi sáng rồi về tụng kinh niệm Phật, mỗi bữa ăn hai bát cơm. Chiều đến chơi cờ, đi dạo cùng mấy ông bạn già, cuộc sống như vậy đã mãn nguyện lắm rồi”.


Giai đoạn khó khăn nhất với ông Lương đến khi ông lập gia đình với bà Vũ Thị Lan (năm 1970) - chị gái của một nữ VĐV cùng trong đội điền kinh quốc gia. “Nhà bà ấy nghèo lắm, tôi cũng tứ cố vô thân, cưới nhau rồi chúng tôi phải ở nhờ nhà tập luyện Long Biên (gần cầu Long Biên). Ở đây không có nước nên ban ngày đi huấn luyện, tối đến tôi đều phải đi bộ qua đê vào chợ Bắc Qua xếp hàng hứng nước từ vòi công cộng về dùng. Khi hai con lần lượt chào đời (năm 1973 và 1976) cuộc sống, sinh hoạt càng vất vả hơn”, vị HLV gốc Hải Dương hồi tưởng.

Năm 1988, ông bà cùng hai con chuyển về sống tại Trung tâm Thể thao Quần Ngựa, trong nhà chứa than được cải tạo qua loa. Đến tận năm 2001, ông mới được xét ưu tiên mua căn hộ ở Cầu Giấy, nơi vợ chồng ông đang ở với giá hơn 300 nghìn đồng. Câu chuyện đang liền mạch, ông nhấp ngụm trà rồi kể tiếp về người vợ của mình.

“Bà nhà tôi hi sinh cho tôi nhiều quá. Tôi cả đời mải miết theo nghiệp chạy, một mình bà ấy lo vun vén gia đình, nuôi dạy hai con mà chưa bao giờ than vãn nửa lời. Ngay cả khi đã về hưu tôi cũng hiếm khi ở nhà, nay đây mai đó theo VĐV tập huấn, thi đấu. Năm 2011, tôi không muốn đi Bình Phước nhưng chính bà ấy động viên. Đầu năm nay, vì muốn giành những năm tháng còn lại của đời mình để chăm sóc bà ấy nên tôi dừng lại”, ông Lương chia sẻ về người bạn đời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.