HLV Park Hang-seo |
Thành công từ giải U23 châu Á 2018 giúp HLV Park Hang-seo khẳng định được tài năng của mình sau những hoài nghi. Tuy nhiên, cái đỉnh quá cao này vô hình trung sẽ trở thành áp lực đối với nhà cầm quân người Hàn Quốc ở chặng đường phía trước.
Tự tạo ra áp lực
Ngày 5/2, các cầu thủ U23 Việt Nam đã chia tay đội để trở về tập trung cùng CLB chuẩn bị cho mùa giải 2018, khép lại chuỗi ngày giao lưu, gặp mặt từ Nam chí Bắc. Đây cũng là thời điểm phù hợp để dừng nói về thành công của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á 2018 và hướng tới những mục tiêu tiếp theo. Những ngày qua, HLV Park Hang-seo dù lâng lâng trong sự tung hô của người hâm mộ nhưng ông vẫn nhắc đi, nhắc lại việc sẽ nỗ lực giúp bóng đá Việt Nam có thành tích cao tại ASIAD 2018 và AFF Cup 2018. Hơn ai hết, nhà cầm quân xứ Kim chi hiểu thách thức đang chờ mình ở phía trước.
Ngôi vị Á quân giải châu Á là thành quả xứng đáng với nỗ lực tột độ của thày trò ông Park. Tuy nhiên, cũng vì đã tiến lên một tầm cao mới, ông sẽ chịu nhiều áp lực hơn trong chặng đường còn lại của bản hợp đồng có thời hạn 2 năm với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Cần thẳng thắn thừa nhận rằng, dù về nhì ở sân chơi lớn nhất châu lục dành cho lứa U23, trình độ bóng đá Việt Nam chưa thể chen chân vào top 10 châu Á chứ chưa nói tới top 5. Ngay ở khu vực Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam vẫn đang đi sau bóng đá Thái Lan.
Tại giải U23 châu Á 2018 vừa qua, hầu hết các đội bóng lớn đều sử dụng để chuẩn bị lực lượng cho Olympic 2020 diễn ra tại Nhật Bản. ASIAD thì khác, danh hiệu này mang ý nghĩa rất lớn và sẽ là nơi các đội dốc toàn lực đua tranh. Tương tự, ở AFF Cup, cái bóng của người Thái quá lớn và không dễ để đội tuyển Việt Nam nghĩ về một cuộc lật đổ. Những đối thủ như Malaysia, Indonesia hay Myanmar cũng đủ khả năng làm khó đoàn quân áo đỏ. Mặc dù vậy, nếu HLV Park Hang-seo tiếp tục thể hiện được tài cầm quân như tại giải U23 châu Á, bóng đá Việt Nam vẫn có cơ hội ở hai giải đấu quan trọng nhất năm 2018.
Cần cái nhìn chính xác
Theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, việc ông Park và các cầu thủ phải chịu áp lực cũng dễ hiểu bởi người hâm mộ kỳ vọng khi đã vào tới chung kết U23 châu Á thì cũng phải làm được điều tương tự ở ASIAD và vô địch AFF Cup. “Khoan nói đến đẳng cấp của chúng ta đang ở đâu. Trong bóng đá không phải lúc nào cũng có thể thắng. Ngay cả những đội bóng hàng đầu thế giới cũng có thời điểm phải thất bại. Với tiếng vang vừa tạo ra, giờ đây bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế sẽ bị các đối thủ đề phòng nhiều hơn, họ sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng khi đối đầu với chúng ta. Trong khi đó, niềm tin vào bóng đá Việt Nam đang lên cao, một thất bại sẽ có tác động rất tiêu cực. Ông Park dĩ nhiên hiểu rõ điều này”, ông Vinh phân tích. “Tốt nhất là chúng ta nên nhìn lại mình, ý thức được mình còn yếu, còn thiếu để nếu thất bại sẽ không quá sốc”, tiếp lời vị chuyên gia người Nghệ An.
Trong khi đó, cựu HLV Lê Thụy Hải lại cho rằng, thành tích của U23 Việt Nam tại giải châu Á tuy xuất sắc nhưng chưa phải điều gì quá ghê gớm. Chính bởi vậy, để nhận định HLV Park Hang-seo đối diện với nhiều sức ép thì chưa hẳn chính xác. “Nên nhớ cấp độ U23 khác ĐTQG, U23 không thể đại diện cho cả một nền bóng đá. Việc về nhì ở giải châu Á cũng không nói nên quá nhiều điều ngoài việc nó được tạo ra từ một lứa cầu thủ đã tích lũy nhiều năm và sự mát tay của ông Park. Nó không to tát đến mức khiến ông Park phải tôn thờ và tự tạo ra áp lực cho mình. Ông ấy từng vào thứ tư World Cup rồi cơ mà, dù chỉ trên vai trò trợ lý”.
Cũng theo ông Hải, bản thân các cầu thủ mới chính là những người phải chịu sức ép. “Sau chuỗi ngày được tung hô, coi như anh hùng, các cầu thủ sẽ trở lại V-League. Họ chơi ra sao, tốt hay không đều có cả triệu con mắt nhìn vào. Rồi cả những giải đấu cấp đội tuyển, họ mang trong mình ý nghĩ không được chơi tệ vì nếu chơi tệ sẽ bị dư luận dìm xuống bùn”, cựu GĐKT FLC Thanh Hóa nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận