Người đi tiên phong
HLV Park Hang-seo đã thông báo ngưng đàm phán gia hạn hợp đồng với phía Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Lý do theo người đại diện của ông Park đưa ra là vị thuyền trưởng Hàn Quốc muốn tập trung tối đa vào việc chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 30 diễn ra vào cuối năm nay. Quả đúng như vậy, HLV Park Hang-seo đang đứng trước một mớ bòng bong ở đội tuyển U23 Việt Nam và chắc chắn ông cần nhiều tâm trí để hoàn thiện đội hình chinh phục tấm HCV bóng đá nam SEA Games 30.
Mục tiêu của HLV Park Hang-seo đề ra từ đầu năm là xây dựng lực lượng đội tuyển U23 Việt Nam tách bạch hẳn với đội tuyển quốc gia. Chính bởi vậy, ông chủ trương kiện toàn hai ban huấn luyện khác nhau, với đầy đủ thành phần và ông là người chịu trách nhiệm chung. Định hướng này rất hợp lý bởi giai đoạn cuối năm, cả đội tuyển quốc gia lẫn U23 Việt Nam đều phải thực hiện những nhiệm vụ quan trọng gồm SEA Games và vòng loại World Cup. Nếu không chuyên biệt, rất khó tạo được sức bật cho cả hai tập thể này.
Dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng hay HLV Toshiya Miura, bóng đá Việt Nam đều từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Tức cả hai đội tuyển tập trung và thi đấu trong cùng thời điểm hoặc chênh lệch không nhiều về thời gian. Nhiều cầu thủ phải rơi vào cảnh “chạy show” khi hoàn thành nhiệm vụ ở đội này sẽ sang tăng cường cho đội kia. HLV Park không muốn tạo ra bất kỳ sự xáo trộn nào nên ông quyết tâm có hai đội tuyển đúng nghĩa.
Thực tế, đây là cách làm không mới trên bình diện bóng đá thế giới và gần như không có chuyện cầu thủ ở đội tuyển quốc gia phải xuống đá ở U23. Dẫu vậy, vì nhiều lý do, mà cốt lõi nhất là lực lượng chưa thực sự dồi dào, lâu nay đội tuyển Việt Nam vẫn phải liệu cơm gắp mắm. Hiểu nôm na sẽ có một bộ phận cầu thủ vừa là trụ cột ở tuyển quốc gia, vừa là trụ cột ở tuyển U23. Trong những thời điểm lịch thi đấu hai đội tuyển không trùng, cách làm vẫn phát huy hiệu quả, ví như năm 2018. Ngược lại, nếu lịch quá sát hoặc trùng lặp, cầu thủ sẽ cực kỳ mất sức, các phương án nhân sự cũng bị động.
Tất nhiên, HLV Park Hang-seo sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn. Thứ nhất, những cầu thủ trụ cột của U23 Việt Nam như: Đình Trọng, Văn Hậu, Quang Hải, Hà Đức Chinh cũng đang chắc suất ở tuyển. Ngoài trường hợp Đình Trọng chấn thương dài hạn, ba cái tên còn lại mặc định sẽ cùng HLV Park tranh tài tại vòng loại World Cup 2022. Thứ hai, do tuổi đá SEA Games là 22 nên những cái tên như: Thành Chung, Duy Mạnh, Đức Huy, Văn Toàn, Văn Thanh… cũng không thể tham dự.
Như vậy, đồng nghĩa với việc U23 Việt Nam sẽ tập hợp lứa cầu thủ sinh từ 1997 trở về sau. Điểm qua một lượt, thế hệ này không có nhiều cái tên nổi bật, giàu triển vọng. Vị chiến lược gia xứ kim chi vì thế muốn tập trung dài hạn để đưa các cầu thủ trẻ vào khuôn khổ trong hệ thống chiến thuật của ông, đồng thời xác định rõ năng lực của từng cá nhân.
Tuy nhiên, do nhiều CLB không chịu nhả người, cộng thêm việc các giải quốc nội vẫn đang diễn ra, ông Park đành tính tới phương án tập trung ngắn hạn, từ 4-8 ngày. Từ nay tới hết tháng 8, U23 Việt Nam sẽ còn 4 lần tập trung như vậy. Theo chia sẻ của ông Park, mỗi lần tập trung nhân sự sẽ khác nhau, tùy thuộc vào mục đích ông muốn tìm kiếm thêm nhân sự ở vị trí nào.
Nên ưu tiên cho SEA Games?
Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh rất ủng hộ cách làm của ông Park bởi nó thể hiện tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng, với cách làm này, vị thuyền trưởng Hàn Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn: “Ai cũng biết HLV Park Hang-seo đạt được thành công trong hơn 1 năm qua là nhờ vào một lực lượng quen thuộc, các cầu thủ đá cùng nhau thời gian dài, hiểu nhau, phù hợp triết lý chiến thuật của ông ấy. Nay nếu U23 Việt Nam sử dụng toàn những cầu thủ mới, không có những cái tên cũ gối lại thì không dễ để ông Park tạo ra sự gắn kết trong lối chơi”.
Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh cũng phân tích, nếu HLV Park Hang-seo quyết tâm hiện thực hóa ý tưởng của mình, thì bản thân ông và các cộng sự thực sự phải dốc toàn lực tìm kiếm, tuyển chọn lực lượng để tập hợp được những cái tên tốt nhất, phù hợp nhất. “Bằng không, việc kết nối cầu thủ với nhau cũng đã là thách thức quá lớn trong bối cảnh chúng ta không có được những đợt tập trung dài ngày trước khi V-League 2019 khép lại”, ông Vinh nói thêm.
Trong khi đó, bình luận viên Ngô Quang Tùng không tin HLV Park Hang-seo sẽ xây dựng lực lượng ở tuyển U23 Việt Nam độc lập với đội tuyển Việt Nam. “Cách làm của ông Park hiện tại có vẻ như để thực hiện ý tưởng ông nêu ra. Các cầu thủ trẻ được gọi lên nhiều đợt nhằm giúp họ làm quen với bầu không khí ở đội tuyển, làm quen dần với phương pháp huấn luyện của HLV trưởng. Nếu bất kỳ ai trong số họ được trao cơ hội thì sẽ không bỡ ngỡ. Nhưng chưa tới thời điểm “chốt sổ” thì mọi việc đều có thể xảy ra, nhất là với một người hay gây bất ngờ như ông Park”.
Theo bình luận viên Quang Tùng, có khả năng HLV Park Hang-seo vẫn cài cắm một vài cầu thủ trụ cột từng cùng ông chinh chiến qua nhiều giải đấu ở tuyển U23 Việt Nam để làm nòng cốt. Còn về việc lịch thi đấu vòng loại World Cup 2022 và SEA Games 30 khá sát nhau, ông Tùng không cho rằng đó là vấn đề quá lớn. “Những cầu thủ như Quang Hải, Văn Hậu có thể đá xong vòng loại World Cup rồi tập trung cùng U23 Việt Nam dự SEA Games. Những trận đầu vòng bảng có thể chúng ta không cần tới ngôi sao nhưng vào sâu thì có sẽ tốt hơn”, ông Tùng phân tích.
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh khuyên HLV Park Hang-seo nên tập trung vào mục tiêu HCV SEA Games bởi vòng loại World Cup 2022 là sân chơi quá tầm, ngay cả khi chúng ta có tất cả những quân bài tốt nhất. “Theo tôi, những cầu thủ trụ cột ở tuyển quốc gia mà đủ điều kiện dự SEA Games thì nên để các em khoác áo U23 Việt Nam. Bản thân ông Park cũng nên dành tâm trí cho đội tuyển này bởi tấm HCV SEA Games sẽ mang về niềm vui cực lớn cho người hâm mộ, ông Vinh nêu ý kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận