Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ đối chiếu dữ liệu chuyển tiền của người Việt trong Hồ sơ Panama. |
Liên quan đến thông tin 189 cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama mới được công bố. Chiều 11/5, trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Văn Ngọc - Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan quản lý nhà nước đã nắm được thông tin của một số cá nhân, tổ chức Việt Nam liên quan đến các doanh nghiệp thành lập ở nước ngoài có tên trong Hồ sơ Panama. Tuy nhiên, hiện chưa có các thông tin cụ thể về hoạt động cũng như giao dịch của các tổ chức, cá nhân này.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh hiện các văn bản về quản lý ngoại hối đã có đầy đủ quy định về giao dịch thanh toán, chuyển tiền vào-ra khỏi Việt Nam (với các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, mở tài khoản ở nước ngoài...). Cơ quan này cũng đã giao các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát theo dõi thông tin liên quan đến việc chuyển tiền ra nước ngoài và sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xử lý theo quy định.
Trước đó, trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho rằng, đây mới chỉ là thông tin một chiều xuất hiện trên mạng, cũng không phải nguồn tin chính thống, có cơ sở nên cơ quan chức năng mới chỉ nắm bắt thông tin, coi đó là một nguồn để tham khảo chứ chưa có chỉ đạo gì.
Cũng theo ông Đạt, việc có tên trong “Hồ sơ Panama” không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái.
Trong khi đó hôm 10/5, một số cá nhân tại Việt Nam có tên trong “Hồ sơ Panama” đã chủ động thông tin đến báo chí giải thích lý do vì sao mình có tên trong tài liệu về các hoạt động bất hợp pháp tại một trong những “thiên đường” trốn thuế của thế giới.
185 địa chỉ và 189 cá nhân, tổ chức từ Việt Nam có trong “Hồ sơ Panama” “Hồ sơ Panama” bao gồm 11,5 triệu trang tài liệu mật của Công ty Luật Mossack Fonseca có trụ sở chính tại Panama, được một nguồn giấu tên cung cấp cho tờ báo Sueddeutsche Zeitung của Đức khoảng 1 năm về trước. Sau đó, nguồn tin đã được chia sẻ với ICIJ, BBC và The Guardian. Các thông tin được công bố có liên quan tới 140 chính trị gia, 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, nhiều ngôi sao thể thao, trùm ma túy… trong các hoạt động bị cho là “bất hợp pháp” tại các “thiên đường trốn thuế”. Vụ việc được công khai hồi đầu tháng 4/2016 và đến khoảng 2h sáng 10/5 (giờ Việt Nam), Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tiếp tục công bố thêm các thông tin liên quan, trong đó có 185 địa chỉ đến từ Việt Nam (68 địa chỉ ở TP Hồ Chí Minh và 49 địa chỉ ở Hà Nội), 189 tên người (trong đó có nhiều tên người nước ngoài) có liên quan, 23 trung gian. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận