Chuyện dọc đường

Hỗ trợ 2.000 đồng và sự vô cảm

01/12/2021, 06:00

Cuối cùng thì huyện Phú Ninh (Quảng Nam) cũng đã có kết quả họp kiểm điểm việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại do mưa bão gây xôn xao dư luận.

Kết luận cuộc họp của huyện đã chỉ rõ phương pháp, cách làm của các địa phương trong việc thống kê thiệt hại của người dân là chưa đúng, chưa phù hợp, dẫn đến có nhiều hộ có mức hỗ trợ quá ít.

img

Dư luận ngỡ ngàng khi hay tin một số người dân xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam được nhận hỗ trợ 2.000 đồng vì mưa bão năm 2020

Trước đó, dư luận không khỏi ngỡ ngàng khi hay tin, một số người dân ở xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh được mời lên xã để nhận hỗ trợ thiệt hại do mưa bão năm 2020.

Trong số này có bà Nguyễn Thị Kim Truyện (51 tuổi, trú xã Tam Vinh). Chiều 25/11, bà Truyện cầm giấy mời của xã lên Nhà văn hóa thôn cách nhà 2km để nhận tiền theo thông báo. Tuy nhiên, chờ mãi đến 5h chiều vẫn không đến lượt, bà đành đi về và nhờ một người bạn nhận giúp.

Tối cùng ngày, người bạn mang trả 2.000 đồng tiền hỗ trợ khiến bà Truyện quá bất ngờ. Theo chia sẻ của bà Truyện thì số tiền này không đủ mua xăng chạy xe máy cả đi và về 4km, mua khẩu trang phòng Covid-19.

Lãnh đạo xã Tam Vinh sau đó giải thích rằng đã làm đúng quy định, bà Truyện bị thiệt hại… 1 cây chuối nên số tiền hỗ trợ 2.000 đồng là không sai!

Được biết, ngoài bà Truyện có mức hỗ trợ thấp nhất là 2.000 đồng thì còn 31 hộ khác nhận dưới 10.000 đồng, trong đó có những hộ nhận được… 3.000 đồng!

Lâu nay, chuyện đền bù hỗ trợ người dân thiệt hại sau bão lũ ở nhiều nơi đã xảy ra không ít tiêu cực, khiến dư luận bức xúc. Lần này, câu chuyện ở xã Tam Vinh cho thấy, chính quyền xã đã làm đúng quy định, thậm chí chính xác đến “từng ly từng tí”.

Tuy nhiên, dù làm đúng quy định nhưng nó cũng khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ.

“Chỉ 2.000 đồng mà phát giấy mời người dân đi nhận là không tốt. Cách làm sai về mặt phương pháp hỗ trợ, có gì đó hơi quan liêu, vô cảm, thiếu trách nhiệm”, chính Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cũng đã phải thốt lên như vậy.

Đáng lẽ ra trong câu chuyện này, lãnh đạo xã Tam Vinh hoàn toàn có thể tổ chức một cuộc họp xin ý kiến người dân.

Tôi tin, nếu như được vận động, thông báo rõ ràng, không người dân nào lại không đồng ý với việc xung công quỹ số tiền 2.000 đồng, dù họ có khó khăn đến mấy. Chính vì không rõ ràng nên người dân mới mất thời gian đi lại, chờ đợi.

Việc làm của xã không sai về bản chất, nhưng cách làm đó cũng phần nào thể hiện sự tắc trách, thậm chí là vô cảm, quan liêu.

Bởi chỉ với 2.000 đồng, đâu cần phải máy móc tới mức đánh giấy mời, in ấn, cử người đi phát giấy mời? Chỉ thiệt hại 1 cây chuối thì có cần thiết phải đưa vào danh sách hay không?

Sự việc kể trên tuy không phải là lớn, các cán bộ liên quan cũng đã được yêu cầu rút kinh nghiệm, kiểm điểm nghiêm túc để từ sau không lặp lại.

Mặc dù vậy, nó cũng cho thấy, chỉ khi nào chính quyền cơ sở - là nơi sát dân nhất, thực sự quan tâm chăm lo quyền lợi của người dân, khi đó phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” mới không chỉ dừng ở khẩu hiệu.

ĐBQH Phạm Văn Hòa

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.