“Hà Nội không vội được đâu” tưởng chừng chỉ là câu nói trào phúng của giới trẻ về cảnh giao thông trên các đường phố Thủ đô mỗi khi rơi vào cảnh ùn tắc.
Hà Nội bị nhắc nhở về việc chậm triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng
Ấy vậy mà giờ đây, câu nói đó lại đang phản ánh một thực trạng khác, thời sự hơn, nóng hổi và cũng đầy bức xúc hơn.
Đó chính là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô.
Bên cạnh tính cấp thiết, kịp thời thì gói hỗ trợ lần này của Chính phủ (sau gói 62.000 tỷ đợt trước) được đánh giá là “một cuộc cách mạng về thủ tục, là đột phá để người sử dụng lao động tiếp cận nhanh nhất”.
Nói như Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung: “Chưa bao giờ chúng ta đơn giản hóa về thủ tục và rút ngắn thời gian như vậy.
Trước đây, người sử dụng lao động vay để trả lương hoặc phục hồi sản suất thì thời gian tiếp cận là trong vòng 1 tháng 10 ngày và với 4 loại hồ sơ khác nhau.
Chính sách lần này đã rút ngắn toàn bộ thời gian, quy trình, chỉ còn 4 ngày giải quyết hồ sơ, 3 ngày để tái cấp vốn và chỉ còn một loại hồ sơ duy nhất để tiếp cận.
Ngay sau khi chính sách được ban hành, giữa áp lực dịch bệnh bủa vây nhưng TP HCM lại là nơi triển khai nhanh nhất.
Do trước khi có Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ, TP HCM đã có gói hỗ trợ với người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Nên khi có gói an sinh lần 2, với một số nhóm hỗ trợ trùng, việc triển khai càng nhanh hơn.
Thống kê cho thấy, lao động tự do trên địa bàn TPHCM có 230.000 người. Tới nay tiền đã được chuyển tới khoảng 40% người, số còn lại hết hôm nay (15/7) sẽ chuyển xong. Với các nhóm lao động khác, dự kiến cũng xong trong tháng 7 này.
Tương tự, tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã và đang triển khai tới hàng trăm ngàn đối tượng, với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng...
Trái ngược hoàn toàn, đến sáng ngày 14/7, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết tại hội nghị sơ kết ngành: Sở đang đôn đốc các sở, ngành liên quan khẩn trương góp ý kiến để hoàn thiện Quyết định, trình UBND Thành phố ban hành nhằm triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ tới các đối tượng thụ hưởng.
Cũng theo bà Hương thì trong tháng 7, Sở sẽ hoàn thiện quy trình để triển khai chính sách hỗ trợ các nhóm thụ hưởng.
Đặc biệt, bà Hương cũng đề nghị, Bộ LĐTB&XH sớm ban hành quy định về thủ tục hành chính về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trước câu trả lời này, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phải thốt lên: “Các địa phương đừng chờ thêm thủ tục gì nữa, bớt thủ tục hành chính thì càng tốt, sau này chúng ta hậu kiểm sau”.
“…Đơn vị nào chậm trễ là có lỗi với dân, để xảy ra trục lợi là có tội với dân. Chúng ta không chỉ làm bằng trách nhiệm mà cần cả bằng tấm lòng”.
Trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hầu hết doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Thủ đô đã quá khó khăn. Người xưa đã nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Lúc này, họ mong ngóng chính sách hỗ trợ đến tay sớm ngày nào hay ngày đó.
Hà Nội là trái tim của cả nước, là trung tâm văn, hóa chính trị, kinh tế của cả nước. Khi làm việc với Hà Nội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng luôn nhấn mạnh: "Yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện...".
Vì thế mà lần này, chỉ với một việc không lớn là nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ đến tay người dân, doanh nghiệp, Hà Nội vẫn đang... chờ các sở ngành góp ý, đó là điều thật khó chấp nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận