Thời sự

Hỗ trợ người khuyết tật bình đẳng trong giao thông

31/12/2017, 08:25

Đề án Trợ giúp Người khuyết tật (NKT) giai đoạn 2012-2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo tối thiểu 80% NKT...

21

Nhân viên tuyến buýt số 61 (TP Hà Nội) hỗ trợ người khuyết tật lên xe buýt

80% NKT được tiếp cận phương tiện giao thông công cộng vào năm 2020

Giao thông là cầu nối quan trọng giúp người khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng và là một trong những phương tiện thể hiện quyền bình đẳng của người khuyết tật trong xã hội. Theo thống kê tại Việt Nam, NKT đang chiếm khoảng 10% dân số. Với mục tiêu nhằm hỗ trợ NKT tham gia bình đẳng trong giao thông, cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) được Bộ GTVT giao nhiệm vụ triển khai đề án “Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 - ngành GTVT”. Đây là một trong những hoạt động thực hiện Quyết định 1019/QĐ-TTg ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ quyền lợi của NKT.

Được biết, đối tượng nghiên cứu của Đề án là các vấn đề về giao thông tiếp cận (GTTC) trợ giúp cho NKT đối với ngành GTVT trong đó bao gồm: Toàn bộ hệ thống các cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, công tác tuyên truyền, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ tại các đầu mối vận tải (nhà ga, sân bay, bến xe...).

Ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Phát triển Giao thông đô thị và nông thôn - Chủ nhiệm đề án cho biết: Theo Quyết định 1019/QĐ-TTg, mục tiêu của đề án là đến năm 2020 bảo đảm được tối thiểu 80% số NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương. Để đạt được mục tiêu này, nhóm tác giả nghiên cứu đề án đã rà soát các quy định pháp luật hiện hành về giao thông tiếp cận đối với NKT trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, hàng không; rà soát, tổng hợp hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về GTTC trợ giúp NKT ngành GTVT về kết cấu hạ tầng và phương tiện giao thông. Trên cơ sở nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và khảo sát thực tế tình hình thực hiện các quy định về giao thông tiếp cận tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, nhóm nghiên cứu đã đưa ra được một số đề xuất sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực GTVT đối với NKT. Bên cạnh đó, đề án cũng xây dựng danh mục các dự án ưu tiên cho phương tiện GTCC, tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền và kế hoạch thực hiện cụ thể.

Cần chính sách huy động nguồn lực từ xã hội

Theo bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội, Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 thực hiện trong ngành GTVT là một đề án được xây dựng công phu, khoa học và có tính khả thi. “Đề án có ý nghĩa thực tiễn lớn, có cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến giao thông tiếp cận cho NKT và triển khai thí điểm một số dự án, đúc rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng. Đề án cũng cung cấp thông tin để NKT biết được quyền lợi của mình khi tham gia giao thông, ví như mức giảm giá vé tối đa là bao nhiêu % đối với đường bộ, đường sắt, đường hàng không”, bà Vân phân tích.

Với kết quả đạt được, hy vọng Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 của ngành GTVT sẽ có giá trị lan tỏa, giúp thay đổi nhận thức của cán bộ ngành GTVT, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về hệ thống giao thông tiếp cận. Tuy nhiên, để kết quả được lâu dài và bền vững hơn, các chuyên gia cho rằng, đề án cần được tiếp tục hỗ trợ để triển khai trong những năm tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Hội NKT Việt Nam, đề án sẽ không thành công nếu chỉ dừng lại ở việc đề xuất các giải pháp. “Các cơ quan Nhà nước có liên quan cần xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực từ xã hội, từ nguồn viện trợ nước ngoài để đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, trang thiết bị hỗ trợ NKT tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cần xác định rõ trách nhiệm của xã hội, của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong việc giúp đỡ người khuyết tật đi lại. Nhất là đối với vận tải hành khách công cộng, cần sớm tăng cường những tuyến xe buýt có dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật hoặc là phương tiện thuận lợi cho người khuyết tật như sàn thấp, thiết bị nâng xe lăn…”, ông Lâm kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.