Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi là 1 trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư với tỷ lệ vốn đầu tư phát triển được bố trí từ ngân sách Trung ương.
Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hỗ trợ sinh kế và bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vốn là vùng "lõi nghèo" của cả nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh
Đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Ủy ban Dân tộc đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ, ngành liên quan chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu phục vụ Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư Chương trình theo quy định
Theo Ủy ban Dân tộc, nội dung chủ yếu của Chương trình gồm 10 dự án thành phần, như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Đồng thời, phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Đầu tư tạo sinh kế bền vững; truyền thông, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện.
"Mục tiêu của Chương trình là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn", Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết.
Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025, tối thiểu là 147.052 tỷ đồng. Căn cứ kết quả thực hiện giai đoạn 1, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030.
Sớm đưa chính sách đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi là một trong nhiệm vụ trọng tâm
Giao thông đi trước mở đường, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống
Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước.
Bàn về nội dung này, PGS.TS Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng, đây là những dự án hết sức thiết thực và cấp bánh đối với nhân dân miền núi và các đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, các cấp từ trung ương và địa phương cần sớm triển khai để người dân tại đây nhanh chóng được hưởng chính sách.
"Đđồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần phải có mức sống, thu nhập tốt hơn. Để làm được điều đó, phải có những chính sách, chỉ đạo quyết liệt, tổng thể các giải pháp nhưng phải có những kế hoạch rất cụ thể, chi tiết, phù hợp với từng giai đoạn, từng địa bàn", bà An cho hay.
Một trong những quan tâm của PGS.TS Bùi Thị An với Chương trình trên, là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.
"Bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhất là những dân tộc thiểu số là một nội dung mà không thể tách rời trong chiến lược phát triển kinh tế. Với cơ chế thị trường nếu không có tầm nhìn dài hạn thì rất có thể khi đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nhưng lại mất đi những bản sắc của các dân tộc thiểu số", bà An nêu quan điểm.
Nhấn mạnh việc phát triển cần phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố bền vững, không đánh đổi môi trường để lấy mục tiêu kinh tế, bà An đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 phải đặc biệt lưu tâm đến nội dung này.
Bà An cũng đề xuất muốn phát triển vùng đồng bào dân tộc, miền núi, nâng cao mức sống và thu nhập người dân nơi đây, thì phải phát triển hạ tầng giao thông cần phải tiên phong, "mở đường" để cho các đề án khác có điều kiện thực hiện và hiệu quả.
"Không có đường thì không thể phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại, đường chưa mở thì cũng khó mà phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì thế chúng ta cần tập trung vào phát triển hạ tầng đặc biệt là giao thông để từ đó giúp vùng núi và đồng bào dân tộc thiểu số có bàn đạp để phát triển kinh tế - xã hội", bà An phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận