Các đơn vị đăng kiểm đã và đang có nhiều giải pháp linh hoạt để hỗ trợ tối đa cho các chủ phương tiện.
Tàu thuyền nằm bờ, chờ hoạt động mới kiểm định
Từ tháng 5/2021 đến nay, phương tiện thủy du lịch hồ thủy điện Hòa Bình của gia đình anh Hiền (phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) và đội tàu du lịch hơn 200 chiếc tại Hòa Bình phải dừng hoạt động theo quy định của địa phương để phòng, chống dịch Covid-19.
Các trường hợp có nhu cầu kiểm định trong thời gian giãn cách xã hội đều được các đơn vị đăng kiểm thủy giải quyết kịp thời
Cũng vì vậy, dù phương tiện đã hết hạn đăng kiểm từ hơn 2 tháng trước, anh Hiền và các chủ phương tiện khác chưa gọi đơn vị đến kiểm định được.
“Mỗi khi gọi cho đơn vị đăng kiểm, họ đều cho đăng kiểm viên đến kiểm tra ngay. Thế nhưng chưa biết khi nào các tàu mới được hoạt động trở lại, có làm đăng kiểm luôn cũng chỉ neo đậu một chỗ nên chúng tôi chưa muốn làm”, anh Hiền nói.
Cũng theo anh Hiền, rất nhiều tàu khác cũng đã quá hạn đăng kiểm, nhưng đều chờ khi được hoạt động trở lại mới đăng kiểm để đón mùa du lịch cuối năm và đầu năm mới.
“Các tàu chỉ neo một chỗ nhưng chúng tôi thường xuyên phải nổ máy để bảo dưỡng động cơ; đồng thời kiểm tra và sơn lại những chỗ han gỉ để phương tiện không bị xuống cấp”, một chủ tàu khác cho biết.
Theo ông Nguyễn Hải Triều, Trưởng chi nhánh đăng kiểm Hà Sơn Bình, trong đợt cao điểm dịch Covid-19 từ tháng cuối tháng 4/2021, đơn vị duy trì hoạt động kiểm định phương tiện thủy tại khu vực trên, song tàu dừng hoạt động nên nhu cầu kiểm định giảm.
Hiện khu vực trên có khoảng hơn 50 phương tiện thủy du lịch quá hạn đăng kiểm định kỳ nhưng chưa đề nghị kiểm định tiếp.
Tương tự, nhu cầu kiểm định phương tiện thủy chở khách du lịch tại Quảng Ninh trong thời gian qua cũng giảm mạnh. “Các phương tiện đến hạn đăng kiểm đều được đơn vị thông báo, đề nghị chủ phương tiện thực hiện kiểm định, song do các tàu nghỉ để phòng dịch nên nhiều phương tiện chưa kiểm định lại”, ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 thông tin.
Một số khu vực khác như Hải Dương, phương tiện chở hàng thực hiện đăng kiểm giảm đột ngột, có thể do quá hạn đăng kiểm nhưng dừng hoạt động hoặc kiểm định ở nơi khác.
“Đơn vị chưa có thống kê số tàu quá hạn đăng kiểm nhưng rất nhiều phương tiện đến hạn chưa quay lại kiểm định. Có thể phương tiện kiểm định ở nơi khác hoặc tạm dừng hoạt động”, ông Trương Việt Hà, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng nói.
Cũng theo ông Hà, giá sắt thép, vật liệu tăng cao nên một số trường hợp tàu đến hạn lên đà nhưng đang tạm dừng; hầu hết các xưởng sửa tàu không có phương tiện.
Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm tại An Giang, Bến Tre cũng cho biết, hầu hết phương tiện thủy chở khách khu vực phía Nam dừng hoạt động, phương tiện thủy chở hàng ít việc, lưu thông khó khăn… kéo theo nhu cầu kiểm định giảm mạnh.
Hỗ trợ tối đa cho phương tiện
Ông Võ Thanh Hùng, quyền Giám đốc Chi cục Đăng kiểm An Giang cũng như lãnh đạo nhiều đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy phía Nam cho biết, đa phần các trường hợp phương tiện thủy quá hạn đăng kiểm đều ở trong vùng dịch phức tạp.
Thời gian qua, đăng kiểm viên không đến được hoặc xưởng đóng tàu không hoạt động khiến phương tiện không thể lên đà hoặc phương tiện không có nhu cầu kiểm định.
Thời gian đầu khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều phương tiện thủy quá hạn đăng kiểm do đi lại giữa các địa phương gặp khó khăn. Sau đó, cảng vụ hướng dẫn cho phương tiện sắp hết hạn đăng kiểm ghé vào các cảng, bến tại khu vực không giãn cách xã hội và gọi điện mời đơn vị đăng kiểm đến kiểm tra. Các đơn vị đăng kiểm và cảng vụ phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho phương tiện.
Ông Huỳnh Văn Út, quyền Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV
“Chỉ trường hợp đăng kiểm viên không đến được tận nơi phương tiện neo đậu mới phải tạm dừng tiếp nhận kiểm định, còn tại các khu vực khác chúng tôi đều kiểm định ngay cho phương tiện”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Tương Lai, Phó giám đốc phụ trách Chi cục Đăng kiểm Bến Tre cho biết, trên địa bàn có nhiều phương tiện thủy chưa được đăng kiểm lần đầu. Khi lưu thông trong mùa dịch bị lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao hơn, yêu cầu dừng hoạt động.
Song vướng mắc hiện nay là nhiều phương tiện không có hồ sơ gốc, phải làm các thủ tục liên quan đến đăng ký để kiểm định lần đầu.
Các trường hợp này được đơn vị hướng dẫn thủ tục xin xác nhận của chính quyền địa phương để giải quyết vướng mắc về nguồn gốc phương tiện.
“Chúng tôi cố gắng tối đa trong việc liên lạc trực tuyến, từ xa với các chủ tàu truyền thống, cũng như chuyển nhận hồ sơ, thủ tục kiểm định qua bưu điện để đăng kiểm viên và chủ phương tiện chỉ tiếp xúc một lần khi xuống kiểm định phương tiện. Khi giao hồ sơ cũng qua bưu điện, thanh toán phí đăng kiểm trực tuyến”, ông Lai nói.
Cũng theo ông Lai, trường hợp chưa giao được giấy chứng nhận kiểm định, đơn vị chụp ảnh, gửi trước để phương tiện khi lưu thông xuất trình cho lực lượng chức năng.
Theo Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN, nhu cầu kiểm định trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 thấp, song các đơn vị đăng kiểm thủy trên toàn quốc đều duy trì hoạt động để đáp ứng nhu cầu kiểm định.
“Các đơn vị đăng kiểm thủy phải đến nơi phương tiện neo đậu, sửa chữa để kiểm định. Khó khăn nhất là việc đi lại của đăng kiểm viên tại vùng giãn cách, nhiều trường hợp đơn vị đăng kiểm và chủ phương tiện phải tìm địa điểm ở nơi khác, vùng khác để thực hiện kiểm định”, lãnh đạo Phòng Tàu sông cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận