Khu vực xử lý rác thải trị giá 8 tỷ đồng được xây dựng ở bản Bước, xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình với mục đích góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện thực trạng vệ sinh môi trường cho toàn huyện. Nhưng từ khi có lò đốt rác, ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Bãi rác khổng lồ lộ thiên trên đồi
Ngày 20/12, PV Báo Giao thông tới khu xử lý rác thải ở bản Bước, xã Xăm Khòe và ghi nhận, nơi đúng là “bãi rác treo” theo cách người dân gọi, bởi khu vực tập kết rác nằm ngay gần đỉnh đồi. Tại đây, rác đổ chất đống ngổn ngang, có cả rác thải y tế, kim tiêm vứt chung bừa bãi. Toàn bộ khu vực bốc mùi hôi thối nồng nặc, không khí ô nhiễm nặng nề... Phía chân bãi rác khói bốc lên nghi ngút. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, rác bay lả tả xuống khu vực nhà dân dưới chân đồi, kéo theo khói, bụi, mùi hôi thối nồng nặc.
Ông Hà Văn Thành, người dân xóm Bước bức xúc, mỗi ngày có 2 - 3 xe tải chở rác về đây đổ, nhưng cách xử lý rác duy nhất là… đốt. Trong khi đó, khu xử lý rác thải nằm cạnh bãi rác khổng lồ này thì không hề hoạt động.
Quan sát của PV Báo Giao thông, khu xử lý rác thải gồm 1 căn nhà cấp IV (nhà điều hành - PV) có 2 phòng khóa kín cửa. Cạnh đó là lò đốt rác màu đỏ với những ống cuộn bằng inox màu trắng còn rất mới nằm dưới một nhà khung trống bốn phía, mái proximăng vỡ tan tác. Ngoài ra, còn có 2 hồ chứa rác rộng cả trăm mét vuông nhưng không hề được phủ bạt và phía dưới cũng không chứa rác. Bể xử lý nước thải của khu xử lý rác chứa đầy… nước mưa…
“Lò đốt rác chỉ sử dụng đúng hôm thí điểm thôi, từ đó đến nay có hoạt động gì đâu mà chả mới. Rác thải thì cả huyện Mai Châu dồn về đây, nhưng không hề có một biện pháp xử lý nào ngoài cách… đốt, dân bản Bước ở dưới chân đồi chịu sao nổi?”, ông Thành bức xúc.
Ông Lường Văn Chân, trưởng xóm Bước, xã Xăm Khòe cho biết, năm 2014, khi huyện xuống trao đổi về việc xây dựng khu xử lý rác giúp môi trường sạch đẹp, người dân đều mừng và ủng hộ vì trước nay, rác của cư dân đều tự xử lý bằng cách chôn tại đất nhà. Thế nhưng, rác tập kết về ngày một nhiều mà lò đốt rác đó lại không hoạt động, khiến ô nhiễm không khí, khói, bụi, mùi khét, rác bay… ngày càng gia tăng. Hố rác nằm trên đỉnh đồi ảnh hưởng đến nguồn nước của cư dân dưới chân đồi. Bãi tập kết rác gần khu vực trường học gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt, học tập của học sinh.
“Chúng tôi đã họp dân, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, họp HĐND chúng tôi đều đã kiến nghị về khu xử lý rác thải này phải hoạt động theo hợp đồng, theo quy định nếu không phải chuyển đi nơi khác, không thể cứ mang rác khắp nơi về đây đốt thủ công, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, ông Chân nói.
Lò đốt rác đang sửa chữa sau hư hỏng(?!)
Trên địa bàn huyện Mai Châu hiện chỉ có một khu xử lý rác tại xóm Bước, xã Xăm Khòe. Hiện do mưa bão nên lò đốt rác phải ngừng hoạt động, tuy nhiên rác thải vẫn phải đổ tại đó. Sau khi lò đốt rác được khắc phục sửa chữa đi vào hoạt động hoàn chỉnh thì chúng tôi sẽ xử lý toàn bộ rác sao cho không ảnh hưởng đến người dân.
Ông Phạm Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, công trình xử lý rác thải lớn nhất huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình được quy hoạch xây dựng trên diện tích 21.000m2 tại bản Bước, xã Xăm Khòe với tổng số vốn đầu tư là trên 8 tỷ đồng. Công trình được xây dựng nhằm xử lý rác thải cho người dân trên địa bàn huyện và các xã lân cận. Thế nhưng, kể từ khi xây dựng năm 2017 đến nay, dự án không đi vào hoạt động trong khi rác vẫn dồn về hàng ngày, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Ông Phạm Văn Phòng, Chủ tịch UBND xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu xác nhận, thực trạng khu xử lý rác thải không hoạt động nhưng rác vẫn dồn về khu đồi bản Bước. Tuy nhiên, ông Phòng phủ nhận việc công nhân môi trường xử lý rác bằng cách đốt thủ công mà cho biết, đó là do người dân tự ý đốt.
“Khu xử lý rác thải xây dựng năm 2017, nhưng đến năm 2018, UBND huyện Mai Châu mới đầu tư xây dựng thêm lò đốt rác, đến tháng 6/2019 mới bàn giao đưa lò đốt rác vào sử dụng. Lò đốt rác mới đốt thử 1 lần thì gặp cơn bão nên phần mái che của lò bị gió lốc tốc toàn bộ phần mái. Từ đó lò không hoạt động được. Tuy nhiên, rác từ các xã và từ thị trấn Mai Châu do có hợp đồng nên vẫn đổ về đây”, ông Phòng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận