Rất nhiều đồi núi ở Hòa Bình được cấp phép san lấp, cải tạo mặt bằng để phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng thực tế chỉ xúc đất đem bán, để lại những hệ quả về môi trường cũng như gây mất trật tự ATGT khu vực.
Bụi bẩn, ô nhiễm, mất ATGT
Những ngày cuối tháng 9, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình và ghi nhận nơi đây là một đại công trường với nhiều chiếc máy xúc công suất lớn và vài chục chiếc xe “hổ vồ” đang chờ lấy đất. Bỏ lại phía sau khung cảnh hoang tàn, nham nhở, trơ trụi vốn trước đây là những quả đồi vừa mới được khai thác xong. Sau khi xúc đầy đất, những chiếc xe “Hổ vồ” chở đất cao hơn cả thùng xe, che phủ sơ sài, chạy thẳng ra cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình kéo theo sau vệt phế liệu rơi lả tả xuống mặt đường, bụi tung mù mịt.
Chỉ trong vài giờ đồng hồ, theo ghi nhận trên tuyến cao tốc Hòa Bình - Hòa Lạc có vài chục lượt xe mà chủ yếu chiếc xe “hổ vồ” 4 chân vào lấy đất, như các xe BSK: 29C - 591.52; 29C - 622.64; 29C - 788.49; 29C - 885.91; 29C - 785.08; 29C - 389.65… Những chiếc xe này chủ yếu mang logo TD, Long Thành.
Người bán nước gần những mỏ đất biến tướng này chia sẻ, xe chở đất chạy rầm rầm suốt ngày đêm, ngày nhiều thì khoảng 30 - 40 xe vào lấy đất. Mỗi xe ngày chạy được 4 - 5 chuyến thì trung bình có khoảng 200 lượt/xe chạy qua đây. “Hôm nào mà các mỏ cùng hoạt động thì xe đông hơn rất nhiều”, người này nói và cho biết, xe chở đất chạy ẩu, tung bụi mù rất mất ATGT, khiến các nhà ở đây đóng kín cửa mà bụi vẫn phủ đầy đồ đạc trong nhà.
Cải tạo mặt bằng hay xúc đất để bán?
Mỏ đất của gia đình bà Đinh Thị Cấp ở xóm Rợn 5, xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn được cấp giấy phép san lấp, cải tạo đất nông nghiệp từ tháng 5/2018. Theo giấy phép, sau 12 tháng san lấp, gia đình bà Cấp phải thực hiện hoàn công và phục hồi môi trường sau khai thác, đưa đất về đúng mục đích sử dụng ban đầu. Thế nhưng, đã 4 tháng sau khi hết thời hạn khai thác, toàn bộ diện tích cải tạo vẫn chỉ là bãi đá sỏi hoang hoá, ngổn ngang, không có bóng dáng cây xanh nào. Đây cũng là thực trạng tại hầu hết mỏ đất nằm dọc tuyến đường Hoà Lạc - Hoà Bình, thuộc địa bàn xã Yên Quang.
Theo Quyết định 36 ngày 26/11/2015 của UBND tỉnh Hoà Bình về việc quản lý, cấp phép khai thác đất, san lấp mặt bằng nhằm cải tạo đất nông nghiệp, trong quá trình thi công, các mỏ đất phải bóc toàn bộ tầng đất canh tác để sang một bên và phải lưu giữ. Sau khi san ủi cải tạo mặt bằng xong, phải trả lại tầng đất canh tác nói trên, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất.
Ngay sau khi có Quyết định 36, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình xuất hiện hàng loạt quả đồi, nhưng không phải san lấp, cải tạo để phục vụ sản xuất nông nghiệp mà khai thác đất để… bán. Cụ thể, từ ngày 4/4/2016 - 22/2/2019, đã có 14 mỏ đất được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, mà chủ yếu lại nằm ở xã Yên Quang, nơi giáp ranh với Hà Nội.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đã có nhiều đầu nậu từ Hà Nội lên xã Yên Quang làm “hợp đồng ủy quyền” với những hộ dân được cấp phép khai thác rồi mua đất chở về khu vực Hà Nội bán để kiếm lời.
Ông Ngô Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn cho biết, sau khi có Quyết định 36 đến nay, trên địa bàn xã Yên Quang có 14 địa điểm được cấp phép cải tạo khai thác đất.
Xác nhận theo quy trình, các mỏ phải lưu giữ tầng đất nông nghiệp, thế nhưng ông Quyền lý giải: “Có thể họ lấy đất đấy đi, sau này họ đổ đất tốt hơn vào thì sao? Còn việc bao giờ chủ mỏ quay lại đổ đất, thì tôi cũng còn phải chờ (?!).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận