Nhiều năm nay, người dân xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình bức xúc trước tình trạng xả thải của Nhà máy Giấy thuộc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thuận Phát (Công ty Thuận Phát) ra suối Cái gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.
Khốn khổ vì ô nhiễm
Cuối tháng 10/2020, có mặt tại thôn Tân Lý (xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), PV Báo Giao thông ghi nhận, Nhà máy Giấy của Công ty Thuận Phát nằm trên đồi cao hàng chục mét, bao quanh là hàng trăm hộ dân. Có những hộ chỉ cách nhà máy chưa đầy 100m.
Trong nhà máy có nhiều hồ chứa nước thải nằm cách suối Cái khoảng 50m, khu vực cửa xả nằm cạnh suối Cái nổi bọt trắng xóa, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Ông Đinh Văn Cường, người dân xã Tu Lý bức xúc: “Trước đây suối Cái trong vắt, rất nhiều tôm cá. Vài năm gần đây, nhà máy xả thải ra suối khiến cá tôm chết dần. Nước thải ra suối có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ai lội qua suối về chân tay đều bị ngứa”.
Ông Cường cho biết, dòng suối Cái chảy từ Đà Bắc sang huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) rồi mới ra sông Đà, nên việc ô nhiễm nguồn nước sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều địa bàn.
Cùng chung nỗi bức xúc, ông Nguyễn Đức Nhân, người dân xã Tu Lý cho hay: “Nhà tôi chỉ cách Nhà máy Giấy 300m, cứ 3-4 ngày Nhà máy Giấy xả thải khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tôi cũng như các hộ gia đình khác không dám mở cửa. Người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên cơ quan chức năng các cấp nhưng đến nay mọi việc vẫn không được xử lý”.
“Suối Cái giờ thành suối chết rồi. Nước suối đen, hôi thối, dân không dám dùng. Nhiều người dân phải mua ống nhựa kéo nước từ khe núi về mà vẫn không đủ nước để sử dụng. Một số xóm phải bỏ hàng chục triệu đồng ra để khoan giếng, có nơi khoan xong cũng không có nước để dùng”, ông Nhân than.
Đã bị xử phạt rất nhiều lần vì gây ô nhiễm
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết, từ năm 2017 đến nay, Nhà máy Giấy của Công ty Thuận Phát từng bị các cơ quan chức năng xử phạt vì xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường 3 lần. Có lần bị xử phạt cả trăm triệu đồng và buộc yêu cầu khắc phục ngay những vi phạm.
Cũng theo ông Tuấn, triển khai Quyết định số 1632 ngày 16/12/2019 của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) về thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã thanh tra, phát hiện nhà máy này không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về xử lý nước thải.
Đoàn đã tiến hành lấy mẫu nước thải sau hệ thống xử lý của công ty và ghi nhận các chỉ tiêu BOD5 (50oC) vượt 3,93 lần; TSS vượt 1,34 lần; COD vượt 2,56 lần quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Sau khi xử phạt, Thanh tra Tổng cục Môi trường yêu cầu Nhà máy Giấy thực hiện ngay biện pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; Điểm xả nước thải ra suối Cái phải được cải tạo nổi trên mặt đất… Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường của nhà máy.
“Sau khi có phản ánh, thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra công tác xử lý chất thải của Nhà máy Giấy. Quan điểm của huyện là sẽ không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”, ông Tuấn nói.
Mới đây, ngày 20/10/2020, UBND tỉnh Hòa Bình có Văn bản số 7258 về việc cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cho Công ty Thuận Phát. Văn bản nêu rõ: Giao Sở TN&MT tỉnh phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát cụ thể việc chấp hành quyết định xử phạt VPHC, việc thực hiện các biện pháp khắc phục theo Kết luận Thanh tra của Tổng cục Môi trường và chỉ đạo của UBND tỉnh đối với công ty.
Chỉ đề xuất, trình UBND tỉnh cấp phép xả nước thải vào nguồn nước cho Công ty Thuận Phát khi công ty thực hiện khắc phục đầy đủ vi phạm theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền và việc xả thải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Nhà máy Giấy của Công ty Thuận Phát tại Hòa Bình được đầu tư, đi vào hoạt động từ năm 2008 với diện tích sử dụng 50.000m2, công suất thiết kế 12.000 tấn bột giấy/năm với 6 dây truyền sản xuất. Trong quá trình hoạt động, công ty có sử dụng một lượng lớn hóa chất để phục vụ sản xuất cũng như xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường với 50 tấn phèn nhôm/năm, 3 tấn men vi sinh/năm, khoảng 90 tấn vôi bột (NaOH)/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận