Phát hiện hóa chất gây ung thư trong sản xuất "áo mưa" |
MBT chỉ được dùng lượng nhỏ
WHO cho biết, chất hóa học có tên MBT (2-mercaptobenzothiazole), được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm cao su gồm: "Áo mưa", ti giả, găng tay cao su, bề mặt sân chơi mềm, lốp xe, dây cao su... Hiện, các nhà khoa học đã có đủ bằng chứng cho thấy MBT là hóa chất gây ung thư. Trước đó, Cơ quan Quốc tế về Nghiên cứu Ung thư thuộc WHO phát hiện MBT liên quan đến ung thư ruột, ung thư máu sau khi kiểm tra một nhà máy hóa học ở Anh. Theo báo cáo từ một nghiên cứu của WHO trên Tạp chí Lancet Oncology, các nhà khoa học cũng chứng minh chất MBT có thể gây ung thư cho động vật và là nguyên nhân gây dị ứng da ở người.
Theo Báo cáo năm 2014 của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), gần 50% số bao cao su đang bán trên thị trường Việt Nam là hàng giả, hàng chất lượng kém, chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Mới đây, ngày 12/1, lực lượng chức năng Hà Nội bắt giữ lô hàng nhập từ Trung Quốc chứa 1 tấn bao cao su được làm giả. Theo khai nhận của chủ hàng, số bao cao su trên được bán theo cân cho các nhà nghỉ, khách sạn. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra. |
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS. Đỗ Quang Kháng, Trưởng phòng Công nghệ vật liệu và Môi trường (Viện Hóa học) cho biết: MBT là chất xúc tiến trong quá trình lưu hóa để khô mạch cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, giúp tăng cường tính dẻo của cao su tự nhiên. Tuy nhiên, hóa chất này được khuyến cáo chỉ nên sử dụng chủ yếu trong sản xuất ủng cao su, lốp, săm xe, dây đai.... nhưng không thích hợp đối với công nghiệp sản xuất thực phẩm.
Theo TS. Kháng, với ưu tính vượt trội, MBT là chất mới được sử dụng trong công nghệ sản xuất cao su vài năm trở lại đây. “Đã là chất xúc tiến thì chất nào cũng độc, tuy nhiên còn phải xem hàm lượng cho phép ở mức độ an toàn của chất này là bao nhiêu. Tôi được biết, khi đưa vào sản xuất, sau quá trình phản ứng hàm lượng còn ít so với đầu vào. Trong công nghệ sản xuất cao su, người ta cũng chỉ sử dụng MBT với hàm lượng nhỏ khoảng 1 - 2%. Những công nhân tiếp xúc trực tiếp trong nhà máy tại Việt Nam cũng chưa thấy hiện tượng gì bất thường”, TS. Kháng cho biết.
Không ai kiểm duyệt chất lượng "áo mưa"?
Theo các chuyên gia y tế, đối với những loại bao cao su được làm từ nhựa cao su hoặc nhựa tổng hợp ngay cả nhiều người sử dụng cũng không thích ứng, có thể bị dị ứng, ngứa sau khi sử dụng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết: “Áo mưa" hiện vẫn được quy định là hàng hóa thông thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe nên không phải chịu kiểm duyệt về chất lượng”.
Cụ thể, tại Việt Nam, mặt hàng "áo mưa" được xếp vào hàng hóa nhóm 1: Đó là sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn, là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, không gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Các sản phẩm này được quản lý theo tiêu chuẩn do người sản xuất công bố, áp dụng. Được biết, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo thông tư, đưa các loại phương tiện tránh thai như: "áo mưa", miếng dán, kem... vào danh mục hàng hóa loại 2 (loại hàng hóa phải kiểm soát chất lượng vì có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng). Tuy nhiên, đến nay thông tư này vẫn đang nằm trên bàn của Cục Khoa học công nghệ.
Phải chăng, mặt hàng thiết yếu dành cho việc tránh thai và tránh lây nhiễm các bệnh xã hội lây qua đường tình dục lại đang bị bỏ ngỏ? Đáng nói, trước nhu cầu sử dụng lớn, tình trạng "áo mưa" rởm, rẻ tiền xuất hiện tràn lan gây khó khăn cho lựa chọn của người tiêu dùng. Theo khuyến cáo của các bác sỹ, nếu sử dụng thứ này không đảm bảo chất lượng, bao rách, hỏng thì mục đích tránh thai không thực hiện được. Ngoài ra, nếu bao cao su không được sản xuất tốt, các chất sử dụng trong quá trình sản xuất có thể gây độc cho người sử dụng, gây những hậu quả nghiêm trọng, đồng thời làm lây lan các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận