Các cuộc đánh bom khủng bố IS thực hiện hôm qua tại Syria khiến ít nhất 140 người thiệt mạng |
Một ngày 140 người thiệt mạng
Những ngày này, xung đột Syria càng trở nên nghiêm trọng. Hôm qua, ít nhất 4 vụ đánh bom rung chuyển ngoại ô Sayyida Zeinab của TP Damacus khiến ít nhất 83 người thiệt mạng; Còn tại Homs, 57 người, chủ yếu là dân thường, bị cướp đi mạng sống trong vụ đánh bom kép.
Các cuộc tấn công ngày 22/2 đều nhằm vào các khu vực nhiều người thiểu số Đạo Hồi theo nhánh Sunni sinh sống. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm các vụ tấn công ở cả hai khu vực này, theo CNN.
Cùng ngày, theo BBC, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã đạt được một thỏa thuận tạm thời về các điều khoản cho một lệnh ngừng bắn tại Syria. Ông Kerry cho biết: “Chúng tôi đã đạt được những nguyên tắc về các điều khoản chấm dứt xung đột trong những ngày tới.
Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Vladimir Putin sẽ thảo luận về vấn đề này trong những ngày tới để thỏa thuận trên có thể sớm được hoàn tất và triển khai”. Ông Kerry cũng cho biết thêm, hai bên đang hoàn thiện thỏa thuận tạm thời trên để mở ra một lối thoát cho cuộc nội chiến kéo dài 6 năm ở Syria khiến hơn 260.000 người chết, 1/2 dân số phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Theo Kế hoạch thúc đẩy ngừng bắn tại Syria được 17 nước trong Nhóm quốc tế hỗ trợ nhất trí tại Hội nghị an ninh Munich hôm 12/2, thì một thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên đáng lẽ được đưa ra vào cuối tuần qua, nhưng không một thỏa thuận nào được đưa ra. Đến hôm qua, Đặc phái viên Liên hợp quốc Staffan de Mistura thừa nhận cần ít nhất 10 ngày để làm mọi thủ tục chuẩn bị để nối lại các cuộc hòa đàm.
Hôm qua, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố sẵn sàng cho một lệnh ngừng bắn, nhưng với điều kiện các bên, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ không tranh thủ hỗ trợ vũ khí, tài chính cho các nhóm khủng bố. Ông Assad cũng cam kết sẽ ân xá cho thành viên các nhóm đối lập nếu họ hạ vũ khí và tham gia vào tiến trình chính trị. Hiện, đã có một số nhóm vũ trang hạ vũ khí, gia nhập quân Chính phủ thời gian qua.
Nút thắt Thổ Nhĩ Kỳ?
Hiện giờ tình hình Syria phải nói là rối ren hơn bao giờ hết, bởi cuộc nội chiến đang ngày càng bị quốc tế hóa. Và Mỹ - nước dẫn đầu liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria đang bị chỉ trích thiếu vai trò lãnh đạo.
Mỹ đã không ngăn cản được đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ không kích lực lượng dân quân người Kurd (YPG) tại Syria. Thổ Nhĩ kỳ coi YPG là mối đe dọa an ninh; Song Mỹ lại hậu thuẫn cho nhóm này trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Không những thế, theo tờ Libération, tình hình căng thẳng có dấu hiệu gia tăng vì có thông tin, 500 chiến binh chống Nga và quân Chính phủ Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria để tăng viện cho TP Azaz - hiện đang bị quân Chính phủ Syria bao vây với sự hỗ trợ của không quân Nga. Điều này dấy lên nỗi lo xung đột giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ; Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại là một trong 28 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khối này ước định: Một thành viên bị tấn công tức là cả khối bị tấn công. Hiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đứng hàng thứ hai trong NATO với khoảng 420.000 quân và hơn 5.000 xe tăng.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria, hôm qua, ông Tirana Hassan, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ không cho những người Syria bị thương trong các cuộc xung đột nhập cảnh để chạy chữa và kêu gọi mở cửa biên giới cho những người này. “Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cho những người bị thương rất nặng nhập cảnh còn những người khác thì bị cấm”, ông Hassan nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận