Hóa đơn tiền điện tăng "chóng mặt"
Suốt mấy ngày nay, nhiều người dân phản ánh tình trạng hóa đơn thanh toán tiền điện của gia đình tăng cao, thậm chí nhiều nhà còn tăng gấp đôi so với hóa đơn của tháng 4. Điều này gây nên sự bức xúc trong dư luận khi nhiều người nhận định đây là mức tăng không hợp lý...
Anh Dương (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: Nếu so với mức tiêu thụ của tháng trước thì mức dùng điện vào buổi tối chỉ nhỉnh hơn chút ít khi dùng thêm quạt, tuy nhiên, vào ban ngày thì lượng dùng lại ít hơn khi mọi người đi vắng cả ngày khác với việc ở nhà cả ngày để thực hiện giản cách xã hội. Như vậy, khó có thể chấp nhận việc hóa đơn điện tăng gấp đôi như thực tế.
“Chúng tôi không biết nguyên nhân vì đâu, nhưng rõ ràng có sự tăng giá vô lý ở đây, cần có sự kiểm tra của cơ quan chức năng khi mấy ngày nay đâu đâu cũng thấy người phản đối giá điện tăng bất thường”, anh Dương bày tỏ.
Theo anh Dương số tiền điện tháng 4-5 của gia đình anh ở mức 416 nghìn đồng nhưng vào tháng 5-6 đã lên gần 900 nghìn đồng mặc dù mức tiêu thụ không có sự chênh lệch nhiều.
Tương tự, anh Huỳnh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết hóa đơn tiền điện tháng 6 của gia đình anh được thông báo tăng hơn 50% so với tháng trước. Cụ thể, mức tiêu thụ từ ngày 10/4/2020-9/5/2020 có chỉ số 1.023 kWh tương đương số tiền phải trả là 2.936.968 đồng. Nhưng đến tháng 6, chỉ số công tơ được ghi từ ngày 10/5/2020-09/6/2020 là 1.741 kWh, tương đương với số tiền 5.248.713 đồng.
Anh Huỳnh cho rằng, đây là mức tăng vô lý bởi dù thời tiết có nắng nóng thì cũng diễn ra ngay từ tháng 4. Hơn nữa, thời điểm giãn cách mọi người thường phải ở nhà nhiều hơn mấy tháng này thì việc giải thích nguyên nhân nắng nóng là không chấp nhận được.
“Tôi cần công khai minh bạch, rõ ràng việc này. Có chăng là có sự điều hành “bí ẩn” từ việc điều chỉnh điện bậc thang chính là thủ phạm làm tiền điện nhiều gia đình đã tăng mạnh”, anh Huỳnh đặt dấu hỏi.
Bất cập điện bậc thang?
Biểu giá điện bậc thang ban hành từ năm 2014, sau một thời gian áp dụng thì nhiều bất cập xuất hiện, công luận yêu cầu sửa chữa. Khi ấy, Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo 3 miền. Tuy nhiên, đến nay, bản dự thảo ấy không biết số phận ra sao.
Về lý thuyết, chia càng nhiều bậc sẽ càng chính xác, ví như chấm điểm theo thang 10 sẽ đánh giá chính xác hơn chấm điểm theo thang 5. Tuy nhiên, tôi cho rằng cũng không nên chia quá nhiều bậc. Các nước xung quanh ta có mức chia rất khác nhau: Singapore 1 bậc, Hàn Quốc 3 bậc, Nhật Bản 3 bậc, Philippines 8 bậc, Thái Lan 6 bậc, Indonesia 7 bậc… tùy theo hoàn cảnh mỗi nước.
Tôi thì cho nước ta nên chia thành 7 bậc. Nhưng điều quan trọng hơn cả số bậc là mức giá của mỗi bậc. Nhìn chung đừng để các bậc đầu (mang tính hỗ trợ người thu nhập thấp) thấp quá và các bậc sau cao quá. Để đưa ra mức giá nên là bao nhiêu thì cần chạy mô hình, tính toán kĩ mới được, không thể ước tính.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
Trước sự việc trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác nhận, trong thời gian qua, nhiều khách hàng phản ánh về hóa đơn tiền điện tăng cao và có nghi ngờ về công tơ,…
Lý giải vấn đề này, EVN cho biết: Theo số liệu thống kê, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Đáng chú ý, EVN đưa ra nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng là do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kép dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện ở tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh….
Tuy nhiên, đứng trên góc nhìn khác, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh yếu tố thời tiết, việc tính tiền điện theo lũy tiến bậc thang mới chính là nguyên nhân khiến giá tăng cao như vậy.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: Trên thực tế, giá điện không điều chỉnh tăng đến hết năm thì chắc chắn mấy tháng này đều tính chung một giá điện. Hơn nữa, thời tiết nắng nóng, oi bức khiến cho việc sử dụng thiết bị điện năng nhiều hơn, có nghĩa là số điện sẽ cao hơn những tháng trước. Do đó, nguyên nhân trực tiếp cũng có thể nhận định là do cách tính biểu giá điện bậc thang bởi từ lâu vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi khi cách tính này chỉ có lợi cho nhà đèn.
Cụ thể, hiện nay, giá điện sinh hoạt đang được tính theo 6 bậc thang như sau: Bậc 1 cho kWh từ 0-50, tính 1.678 đồng/kWh; Bậc 2 cho kWh từ 51-100, được tính 1.734 đồng/kWh; Bậc 3 cho kWh từ 101-200, được tính 2.014 đồng/kWh; Bậc 4 cho kWh từ 201-300, được tính 2.536 đồng/kWh; Bậc 5 cho kWh từ 301-400 được tính 2.834 đồng/kWh; Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên được tính 2.927 đồng/kWh.
"Có nghĩa là, càng dùng nhiều thì chi phí phải trả sẽ tăng luỹ tiến, điện sử dụng càng nhiều bị áp ở mức giá càng cao là ngược với logic tiêu dùng hàng hoá thông thường (càng mua nhiều càng rẻ). Điều này, dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm và từ đó có những sự nghi ngờ", ông Long nói.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, cách tính điện bậc thang theo hiện tại cũng đang làm giá điện nhiều gia đình tăng lên cao bởi sự chênh lệch giá giữa các bậc là khá lớn.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, điện là vấn đề nhạy cảm. Vì vậy, để giá điện được minh bạch, người dân không "nghi ngờ" nên có một đơn vị độc lập vào cuộc để rà soát, kiểm tra. Đơn vị này sẽ có trách nhiệm làm việc với các đối tác liên quan và đưa ra kết quả độc lập.Kết quả này cũng cần làm rõ những nghi vấn từ phía người dân và được công khai rộng rãi...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận