UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức buổi họp báo “Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I năm 2018". |
Sáng nay (27/11), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh đã tổ chức buổi họp báo “Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I năm 2018” do bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chủ trì. Đây là Lễ hội có quy mô cấp Quốc gia và Hoa hậu Việt Nam 2010, Đặng Thị Ngọc Hân làm Đại sứ cho Lễ hội thổ cẩm Việt Nam.
Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần 1 năm 2018, nhằm bảo tồn và phát huy hoa văn, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về hoa văn, trang phục truyền thống, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung và của tỉnh Đắk Nông nói riêng. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội…
Tại buổi họp báo, cũng đã diễn ra hoạt động trình diễn trang phục thổ cẩm độc đáo. |
Theo đó, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam diễn ra tại TX Gia Nghĩa từ ngày 28 đến 30/11 với với các hoạt động như: Triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam; Không gian thực nghiệm dệt thổ cẩm các dân tộc Việt Nam; Không gian văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam; Không gian phục dựng nghi lễ truyền thông của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam; Biểu diễn nghệ thuật truyền thống các dân tộc Việt Nam, Triển lãm Công viên địa chất Việt Nam.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi họp báo. |
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết: “Lễ hội văn hóa thổ cẩm nhằm mục đích góp phần bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng. Bên cạnh đó, Lễ hội sẽ giới thiệu, quảng bá sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc Việt Nam với bạn bè trong nước và quốc tế".
“Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông rất đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Thông qua Lễ hội lần này, Đắk Nông mong muốn sẽ là nước khởi đầu, là nội lực để đánh động sự quan tâm của mọi người, của các thị trường, của các nhà thiết kế thời trang cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Qua đó, giúp cho nghệ nhân của Đắk Nông, giúp cho văn hóa dệt thổ cẩm của Đắk Nông có điều kiện giữ gìn được nét đẹp văn hóa cũng như phát triển đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc tỉnh Đắk Nông", bà Tôn Thị Ngọc Hạnh mong muốn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận