ĐBQH Vũ Thị Hương Sen phát biểu tại hội trường Quốc hội khóa XIII |
Sự trẻ trung hay vẻ bề ngoài xinh đẹp có thể là lợi thế cho những công việc và vị trí khác, còn khi là đại biểu của dân thì trí tuệ, sự hiểu biết, luôn gần gũi với cử tri mới là điều dân cần.
Sinh năm 1986, nữ bác sĩ Vũ Thị Hương Sen trở thành người trúng cử ĐBQH trẻ nhất trong khóa XIII. Cô thường được mọi người ưu ái dành cho danh hiệu “Hoa khôi nghị trường”, thế nhưng, cô lại quan niệm “sắc đẹp không phải lợi thế, mà trí tuệ mới thực sự quan trọng”.
5 năm nhìn lại, vẫn còn nhiều trăn trở
Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc. Chị cảm thấy thế nào khi rời nghị trường sau 5 năm là người đại diện nói lên tiếng nói của cử tri, của nhân dân?
Trong suốt 5 năm hoạt động trong Quốc hội, tôi có rất nhiều kỷ niệm, đến giờ phút chia tay, tôi còn cảm thấy nhiều bâng khuâng và lưu luyến.
Rời Quốc hội, còn trăn trở nào mà trong những năm qua chị chưa thực hiện được, còn cảm thấy “nợ” các cử tri của mình hay không?
Khi bước chân vào nghị trường, tôi luôn tâm niệm phải cố gắng hoàn thành vai trò của một người đại biểu, cố gắng truyền tải những ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Quốc hội thông qua các bài phát biểu, các câu hỏi chất vấn của mình với kỳ vọng đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, sau 5 năm nhìn lại, tôi thấy mình vẫn còn nhiều trăn trở. Tôi nhớ, có một cử tri ngành Giáo dục gọi điện cho tôi phản ánh về chế độ đối với những người làm trong ngành Giáo dục nhưng không tham gia giảng dạy trực tiếp (ví dụ như văn thư, y tế học đường…) lương thấp, không có đặc thù ngành nên đời sống còn khó khăn.
Điều họ mong muốn là Nhà nước cần tạo điều kiện, quan tâm và có chế độ ưu đãi đối với những đối tượng như vậy. Nhưng trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, về vấn đề giáo dục chưa được đánh giá một cách đầy đủ và phù hợp với thực tế… Hay như việc cử tri tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương kiến nghị về tuyến đường 391 đang bị xuống cấp trầm trọng vì lưu lượng xe tham gia trên tuyến đường này tăng đột biến để tránh trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.
Trong suốt quãng thời gian tham gia nghị trường, chị ấn tượng với kỳ họp nào nhất? Đâu là vấn đề chị quan tâm nhất khi phát biểu tại hội trường Quốc hội cũng như đặt câu hỏi chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành?
Vấn đề cử tri quan tâm chính là vấn đề tôi quan tâm, những ý kiến tôi phát biểu hay những câu hỏi tôi đặt ra để chất vấn các vị Bộ trưởng chính là những tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Mình là đại biểu của dân thì phải nói lên tiếng nói của nhân dân.
Mỗi kỳ họp là một kỷ niệm, ấn tượng nhất có lẽ là kỳ họp đầu tiên, khi lần đầu tiên bước trên thảm đỏ vào hội trường, cảm giác trong tôi lâng lâng khó có thể diễn tả.
Chị trúng cử ĐBQH khi còn rất trẻ, chưa xây dựng gia đình. Vào thời điểm đó, đâu là động lực thúc đẩy chị trở thành người đại biểu của dân? Gia đình ủng hộ chị thế nào trong việc này?
Gia đình luôn bên cạnh, ủng hộ và động viên tôi khi tham gia ứng cử ĐBQH. Còn động lực giúp tôi phấn đấu trở thành người đại biểu của dân xuất phát từ môi trường làm việc. Ở bệnh viện, tôi luôn tiếp xúc với những người dân có hoàn cảnh khó khăn, tôi chỉ hy vọng sẽ cố gắng góp chút sức nhỏ bé của mình để giúp đỡ được phần nào cho những người dân ấy.
Là một đại biểu rất trẻ, lại là nữ. Có khi nào chị cảm thấy áp lực khi góp mặt chung trong nghị trường cùng rất nhiều “cây đa, cây đề” không?
Có chứ, áp lực nhiều lắm. Ngồi nghe những bài phát biểu, những vấn đề các ĐBQH lão làng nêu ra và đề xuất các giải pháp, tôi thấy trình độ hiểu biết xã hội và kiến thức của mình còn ít ỏi. Những đóng góp của tôi trong hoạt động quốc hội không thấm vào đâu so với các thế hệ đi trước.
Được trở thành ĐBQH là một vinh dự nhưng cũng là áp lực lớn đối với tôi, bởi tuổi tôi còn trẻ, kinh nghiệm sống chưa nhiều mà gánh vác trên vai trọng trách lớn. Chưa kể, môi trường làm việc của Quốc hội khác rất nhiều so với công việc chuyên môn tôi đang làm, đòi hỏi tôi phải có sự cố gắng rất nhiều để hoàn thành được cả hai vai trò.
Mỗi khi đến kỳ họp Quốc hội, chị sắp xếp công việc của mình như thế nào để đảm bảo hài hòa các yếu tố?
Nói chung tôi là người khá may mắn. Từ khi tham gia Quốc hội, lãnh đạo bệnh viện nơi tôi công tác luôn quan tâm, tạo điều kiện bố trí bác sỹ làm thay công việc chuyên môn của tôi để tôi có điều kiện dành trọn thời gian cho kỳ họp.
Chị có thể chia sẻ một chút về gia đình riêng? Việc trở thành ĐBQH có ảnh hưởng nhiều đến gia đình không?
Trước khi kết hôn, tôi đã là ĐBQH, vì vậy ông xã cũng khá thoải mái với công việc và lịch họp của tôi.
Cử tri cần đại biểu trí tuệ, bản lĩnh, không cần người chỉ có nhan sắc
Là một trong ba nữ ĐBQH trẻ nhất, chị nghĩ sự trẻ trung, xinh đẹp và tính cách mềm mại, khéo léo của người phụ nữ có phải “lợi thế”?
Có thể những điều đó sẽ là lợi thế cho những công việc và vị trí khác, còn khi tôi là đại biểu của dân thì trí tuệ, sự hiểu biết, luôn gần gũi với cử tri mới là điều quan trọng.
Đã là phụ nữ, ai cũng muốn mình trở thành một người đẹp trong mắt mọi người. Không chỉ riêng tôi và với những người khác cũng thế. Nhưng sắc đẹp có thể sẽ là lợi thế ban đầu với người đối diện khi tiếp xúc. Quan trọng hơn là vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong mỗi con người, đó là trí tuệ, cần phải được rèn giũa, tôi luyện qua thử thách mới có được. Người ta vẫn thường nói: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”. Tôi nghĩ, điều cử tri quan tâm, mong muốn ở người đại diện cho mình là người phải có trí tuệ, có bản lĩnh chứ không phải một vị đại biểu chỉ có nhan sắc bên ngoài.
Trước đây chị từng chia sẻ, trong suốt ba kỳ họp đầu tiên của QH khóa XIII, chị liên tục bị sụt cân vì áp lực. Chị có thể chia sẻ thêm về những áp lực mình phải đối mặt khi mới bước chân vào nghị trường?
Những kỳ họp kéo dài cả tháng trời, tôi cũng như nhiều ĐB khác “ngập” trong những tài liệu, luôn phải suy nghĩ tới những vấn đề “nóng” trong các phiên thảo luận nên áp lực là điều khó tránh khỏi. Thậm chí, sau mỗi kỳ họp về, tôi thường bị đồng nghiệp trêu: “Sao lên Thủ đô về lại gày và xấu đi thế?”.
Bên cạnh áp lực về công việc, về trọng trách và vai trò của người đại biểu, tôi còn có chút áp lực về xã hội, có không ít người thấy mình trẻ, là nữ nên có những cái nhìn không mấy khách quan, thậm chí là tiêu cực về con người mình, điều đó cũng đã gây xáo trộn đôi chút trong cuộc sống riêng tư của tôi trong một thời gian. Tuy nhiên, sau khi được gia đình, bạn bè động viên và cổ vũ tôi cũng đã lấy được cân bằng và hoàn thành vai trò người đại biểu.
Tới đây, chị có dự định tái cử ĐBQH không? Vì sao? Mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới của chị là gì?
Sắp tới tôi sẽ không tham gia tái cử, tôi muốn tập trung toàn bộ thời gian cho việc nâng cao trình độ chuyên môn.
Cảm ơn chị!
Nữ ĐBQH Vũ Thị Hương Sen sinh ngày 10/2/1986, quê quán tại xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Hiện là bác sĩ đa khoa tại Bệnh viện Nhi Hải Dương.Bác sĩ Vũ Thị Hương Sen là một trong những nữ ĐB trẻ nhất tại Quốc hội khóa XIII và thường được mọi người ưu ái với tên gọi “Hoa khôi nghị trường”. Trong các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, nữ ĐB này đã có nhiều ý kiến, chất vấn mạnh mẽ tại Quốc hội. Một đề nghị khá mạnh bạo mà nữ ĐB này đề cập là: “Có nên đặt vấn đề Quốc hội hoặc HĐND bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với toàn bộ Chính phủ, toàn bộ UBND hay không, vì ở nhiều nước đã từng xảy ra trường hợp toàn bộ nội các từ chức vì không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội…”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận