Hôm thứ Bảy cuối tuần qua, ông Marc Knapper, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách mảng Hàn Quốc và Nhật Bản, cho biết "Bộ tứ" (QUAD), một nhóm an ninh không chính thức của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, có thể chào đón các thành viên mới trong tương lai khi các nước tìm cách chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong các vấn đề liên quan đến “chủ quyền lãnh thổ”.
Nikkei Asia, một cơ quan truyền thông có trụ sở tại Tokyo, đã đưa tin này kèm thông báo của ông Knapper, trong đó bày tỏ quan điểm này tại Đối thoại Núi Phú Sĩ, một cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị từ Nhật Bản và Mỹ.
Truyền thông và giới quan sát ở Trung Quốc cho rằng, hiện nay, Washington đã và đang cống hiến hết mình trong việc biến Nhóm QUAD thành một phiên bản “NATO châu Á” trong nỗ lực củng cố thêm các đồng minh và đối tác trong khu vực để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun cho biết vào tháng 8 rằng Hoa Kỳ muốn thấy một số nước như Hàn Quốc. New Zealand... cuối cùng sẽ tham gia liên minh QUAD mở rộng.
Tuy nhiên, cây viết Lu Yuanzhi trên tờ Global Times của Trung Quốc tuyên bố rằng, nhóm QUAD khó có thể đạt được sự mở rộng này. Nhiều nhà phân tích chính trị từ cộng đồng quốc tế nhận thức rõ ràng rằng mỗi thành viên trong nhóm đều có những cân nhắc riêng và họ đã không đạt được đồng thuận về cách đối phó với Trung Quốc.
“Trong số 4 nước này, có vẻ như chỉ có Mỹ là không tiếc công sức xây dựng Bộ tứ thành một "NATO châu Á". Mặc dù Nhật Bản và Australia đã duy trì quan hệ đồng minh chặt chẽ với Mỹ, nhưng cả hai đều phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế” – ông Lu Yuanzhi nhận định.
Cũng theo cây viết này, “dù quan hệ Trung Quốc-Australia ngày càng xấu đi, đặc biệt là vào năm 2020, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do thực tế ngoại giao Australia phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Tình trạng hiện tại của quan hệ Trung Quốc-Australia, ở một mức độ lớn, là kết quả của việc giới lãnh đạo Australia tuân theo chiến dịch chống Trung Quốc của Mỹ”.
Tuy nhiên, ông Lu Yuanzhi cho rằng điều đáng chú ý là khi đề cập đến các vấn đề có thể thách thức lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh, Canberra vẫn giữ khoảng cách với Washington. Ví dụ, trong khi Mỹ liên tục chơi "quân bài Đài Loan" để chọc tức Trung Quốc, thì Australia lại không lên tiếng ủng hộ động thái này.
Điều này ngụ ý rằng (theo ông Lu Yuanzhi), Australia đã không kiên quyết đi theo sự dẫn đầu của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc, phần lớn là do nước này miễn cưỡng cắt đứt quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ với Trung Quốc.
Mặc dù căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng leo thang, Ấn Độ cũng không muốn thấy sự chia cắt hoàn toàn với Trung Quốc. Khi nền kinh tế của Ấn Độ bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch bệnh Covid-19, Ấn Độ đang dựa vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai, để giúp phục hồi nền kinh tế của mình.
Ngoài ra, Ấn Độ luôn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập nên sẽ không hoàn toàn nghiêng về Mỹ trong chính sách Trung Quốc của mình.
Trong bối cảnh này, nhóm dường như không quá hấp dẫn đối với các quốc gia khác.
"Ngay cả khi Quad đạt được sự mở rộng, ảnh hưởng của họ đối với Trung Quốc sẽ bị hạn chế", Sun Chenghao, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Mỹ, Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nêu nhận định của mình.
Theo ông Sun Chenghao, tình hình quốc tế hiện nay khác với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Vị này cho bảo vệ chính quyền của nước mình bằng lý luận rằng: “Trung Quốc không gây ra mối đe dọa an ninh lớn đối với các nước khác như Liên Xô đã làm trong Chiến tranh Lạnh. Lý thuyết "mối đe dọa từ Trung Quốc" chỉ là một câu chuyện được Mỹ thổi phồng. Trung Quốc đã duy trì giao lưu kinh tế và nhân dân tốt với hầu hết các nước trên thế giới”.
Trong một diễn biến có liên quan, giữa tuần vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản không nhằm vào một "NATO châu Á" để kiềm chế bất kỳ quốc gia cụ thể nào, theo hãng tin Reuters.
Bình luận về tuyên bố của lãnh đạo Nhật Bản, ông Sun Chenghao cho biết điều này có nghĩa là "bài hùng biện của ông Suga về cơ bản có thể phản ánh ý định thực sự của Nhật Bản và hầu hết các nước châu Á."
“Họ không muốn đứng về phía hai người khổng lồ. Đứng về phía Mỹ chống lại Trung Quốc là không phù hợp với lợi ích quốc gia của họ” – chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận