Lối sống

Hoa mai trong tâm thức người dân Nam bộ

23/01/2023, 08:30

Trong tâm thức người dân Nam bộ, hoa mai vàng có muôn vàn giá trị.

Mê mai hơn… mê vợ

Tết năm nào đọc báo, xem ti vi thấy chỗ này chỗ kia bán cây hoa mai lên đến hàng tỷ đồng, ông Nguyễn Hoàng (63 tuổi) ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ lại chặc lưỡi nhìn ra vườn mai mấy chục gốc của mình.

img

Mai nở rực sắc vàng mỗi độ Xuân về.

Biết ý chồng, bà Hạnh vợ ông nói: “Thôi đừng mơ mộng nữa, cả vườn mai của ông không đến 100 triệu đồng đâu”. Rồi thể nào hai vợ chồng cũng sẽ cự qua, cãi lại vài câu về chuyện muôn thuở ấy.

Ông Hoàng, một người sống bằng nghề buôn bán nhỏ với niềm yêu mai mãnh liệt. Gia đình ông ước tính ông có khoảng 30 năm sưu tầm mai. Nhưng thật lạ, cây nào ông càng chăm thì tuổi thọ càng èo uột, lắm lúc được vài năm thì tự động rụng lá, khô cành.

“Trước sân phải có cây mai, ngày Tết nó nở cho có không khí. Sau này mình không còn, con cháu nó còn nhớ cây mai ông nội, ông ngoại để lại”, ông Hoàng trầm tư nói.

Vậy nhưng, ông không từ bỏ. Hễ đi đâu thấy cây mai đẹp, ông lại lân la hỏi mua rồi dấm dúi lấy tiền để dành đi rước về.

Vợ con hỏi, ông cười hề hề, lúc bảo anh em người ta quý nên tặng, lúc bảo mua có mấy trăm ngàn...

Những lúc trà dư tửu hậu, ông Hoàng chia sẻ, ông thích mai là thật nhưng chuyện ông sưu tầm nó còn một nguyên nhân phía sau.

“Vườn mai của tôi là để dưỡng già. Nó sẽ là tài sản lúc khi tôi không còn làm ra tiền nữa.

Lúc cần thiết tôi có thể bán đi một vài gốc cây để xoay xở, hoặc để lại cho con cháu sau này. Hơn nữa, lúc tôi chăm sóc cho từng cây mai đó cũng là niềm vui cho mình khuây khỏa”, ông nói.

img

Một cây mai lâu năm.

Thực sự cái lối suy nghĩ “mấy gốc mai để dành dưỡng già” của ông Hoàng khá phổ biến trong tâm thức nhiều lão nông Nam Bộ. Nó xuất phát từ việc mai vàng là biểu tượng ngày Tết của người dân miền Nam bao đời nay.

Rồi những lão mai trăm năm tuổi, giá trị cao đã ăn sâu, hun đúc trong suy nghĩ của nhiều người đàn ông trụ cột gia đình.

Mai rừng thì lấy đâu ra, chỉ có trồng, chăm sóc từ qua năm này tháng nọ mới tạo ra những cây mai giá trị. Và họ chính là người tạo ra giá trị đó, bắt đầu từ việc trồng, chăm mai.

Những chuyện sâu xa bên tán mai

Nhà ông Nguyễn Công Điểu ở phường Long Phước, thị xã Phước Long có 3 cây mai trồng từ năm 1995. Tết nào cũng nở rực một khoảng sân.

“Có mấy anh em trả giá 50 triệu đồng mỗi cây, mà tôi trồng để chơi Tết, không bán. Bán đi rồi nhớ lắm, trồng biết bao lâu nữa mới có được một cây mai ưng ý như vậy”, ông Điểu cho hay.

img

Ngoài mai Tứ quý, hầu như các giống mai còn lại chỉ nở vào mùa xuân.

Chơi mai, thưởng mai cũng lắm công phu, ông Lê Văn Tý, Giám đốc HTX Mai vàng Phước Định (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) phân tích: “Người chơi mai cũng có nhiều hệ.

Có người chỉ trồng để chơi Tết, có người yêu cầu cao, muốn cây mai phải có dáng này, dáng kia, gốc phải phát triển kiểu này kiểu nọ thì phải dốc sức, đầu tư tâm trí. Nên những người chơi mai phải có hội, có nhóm mới sung.

Hoa mai trong tâm thức người dân Nam Bộ chính là thưởng mai, nhớ đến người trồng mai.

Những buổi đàm đạo của hội nhóm chơi mai về lâu dài sẽ tạo ra những cây mai kiệt xuất”.

Còn về mấy vườn mai dưỡng già, là có. Nhưng đa số trong suy nghĩ của những người trồng mai dưỡng già, là họ yêu mai, họ muốn khi về già mình có thứ để bận tâm, chăm sóc rồi sau đó để lại cho con cháu. Khó khăn lắm họ mới bán đi một vài gốc, chứ tiếc lắm, sau này còn kể mãi”, ông Tý tiếp lời.

Anh Trần Bình (38 tuổi) ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước kể gần 40 năm trước, lần đầu tiên có được nhà mới, ba của anh trồng trước nhà một cây mai như dấu mốc quan trọng của gia đình.

img

Chăm sóc để mai nở đúng ngày Tết cũng rất công phu.

“Trong vườn nhà thì trồng nhiều cây lắm, giá trị nhất là cây mai. Nhưng giá trị của nó bắt đầu cao lúc được đã được nhiều năm tuổi. Hai năm trước, bên cạnh nhà tôi có người bán cây mai cùng tuổi với giá 400 triệu đồng.

Ai cũng xuýt xoa, nhưng cây mai của ba tôi nếu bán phải được giá hơn vì gốc rễ đều phát triển và rộng hơn”, anh kể.

“Điều tiếc nuối là cây mai này trong một lần bị xe tải quệt phải đã gãy nhánh lớn và sau đó không sống nổi.

Trước đây mỗi khi Tết đến, ai đi ngang cũng phải ngoái nhìn cây mai nhà tôi. Giờ ba đã không còn nữa nhưng mỗi lần Tết đến thế nào cũng có người nhắc tới cây mai của ba tôi”, anh Bình trầm tư kể.

Mai vàng được lưu dân người Việt Nam thuần hóa từ cây dại khi họ đi khai khẩn miền Nam.

Hoa mai vàng thường có năm cánh và nở trùng với dịp Tết Nguyên đán như hoa đào ở miền Bắc nên người ta đã đem về trang trí vào dịp Tết.

Dần dà về sau, hoa mai trở thành một hình ảnh đặc trưng khi nhắc đến ngày Tết của miền Nam Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.