Điều này khiến dịch vụ hoa tiêu cho tàu nội thu không đủ bù chi.
Chênh nhau 2-3 lần
Giá hoa tiêu dẫn tàu nội địa thấp khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải phục vụ cho tàu, thuyền trong - ngoài nước ra, vào tại các cảng thuộc địa phận hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, mấy năm nay, Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực VIII rơi vào tình thế khó khăn khi số lượng tàu có xu hướng giảm.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Giám đốc công ty cho biết, mỗi tháng, số lượt tàu dẫn của công ty khoảng hơn 200 lượt, nhưng tháng 4/2023 chỉ còn 145 lượt và tháng 5 có 153 lượt. Các tàu cũng chủ yếu là tàu nội, càng gây khó khăn về doanh thu.
Hiện nay, giá dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu nội địa thực hiện theo Thông tư 54/2018, được quy định theo từng tuyến luồng và dung tích tàu.
Trong đó, giá hoa tiêu nội địa có giá tối thiểu khoảng 500.000 đồng (tuyến dẫn tàu từ khu vực đón trả hoa tiêu vào cập cảng và ngược lại), tối thiểu 300.000 đồng với tàu thuyền di chuyển trong cảng có sử dụng dịch vụ hoa tiêu mà khoảng cách dẫn tàu từ 5 hải lý trở lên.
“Mức giá này là thấp, khiến doanh nghiệp thu không đủ bù chi. Mỗi lượt dẫn tàu, đơn vị hoa tiêu phải bỏ ra nhiều chi phí từ xăng dầu cho cano đưa đón, con người, chi phí di chuyển đến địa điểm đưa đón hoa tiêu. Do địa bàn hoạt động rộng nên khi các tàu vào cảng ở xa, chi phí di chuyển của hoa tiêu khá cao.
Một năm, tàu nội chiếm khoảng 70% trong số lượt dẫn tàu, nhưng doanh thu của tàu nội chỉ chiếm 11% cơ cấu doanh thu của công ty”, ông Hoài Anh chia sẻ.
Theo các chuyên gia, tuy không phải đầu tư lớn như các doanh nghiệp cảng biển, nhưng hoa tiêu cũng có nhiều khoản chi phí như: Phương tiện, nhiên liệu, lương hoa tiêu, lương công nhân đưa đón hoa tiêu, bảo dưỡng phương tiện... Hiện, một tàu cano đưa đón hoa tiêu có giá khoảng 5-6 tỷ đồng và là phương tiện dễ xuống cấp, hỏng hóc hơn nhiều so với tàu biển.
Đặc biệt, hoa tiêu chịu trách nhiệm rất lớn trong việc đảm bảo an toàn hàng hải của con tàu. Dù đêm hay ngày, hoa tiêu đều phải túc trực để đưa tàu vào cảng kịp thời, nhanh nhất, không được chậm trễ dù một giờ hay một ngày.
Trong khi đó, cùng một tuyến dẫn tàu, giá hoa tiêu dẫn tàu ngoại và dẫn tàu nội chênh nhau khoảng 2-3 lần. Do đó khi dẫn tàu nội, với mức giá dẫn tàu chỉ vài trăm nghìn đồng, nếu các doanh nghiệp hoa tiêu không chắt chiu, sẽ không đủ chi phí để trả lương cho người lao động.
Lấy ngoại cõng nội
Hoa tiêu phải tốn nhiều chi phí từ nhiên liệu, cano đưa đón hoa tiêu, khấu hao, bão dưỡng phương tiện....
Theo ông Hoài Anh, công ty đã tìm đủ các phương án để tinh gọn tối đa các chi phí, xong vẫn không thể có lãi. Doanh nghiệp từng tính tới phương án “cắm” hoa tiêu ở các khu vực tuyến xa để giảm chi phí đi lại, song phương án này lại có nhiều bất cập.
Cụ thể, hoa tiêu hiện được phân theo hạng và mỗi hạng sẽ được dẫn các loại tàu khác nhau. Do đó, vẫn phải điều động linh hoạt hoa tiêu dựa theo loại tàu vào cảng. Chưa kể, các tàu ra vào không đều các ngày trong tháng nên cũng không thể khống chế trong việc điều động hoa tiêu.
Ông Hoài Anh thông tin thêm, mấy năm qua, công ty phải giảm thu nhập của người lao động, chỉ trả được mức lương cơ bản và phụ cấp làm ngoài giờ cho hoa tiêu.
Tuy khung giá hoa tiêu đã áp được mức giá tối đa trong khung quy định của Thông tư 54, nhưng lợi nhuận thấp vẫn khiến công ty cũng gặp khó trong việc tuyển dụng hoa tiêu vào làm.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực III (địa bàn hoạt động chủ yếu tại khu vực biển Quảng Ninh) cho biết, công ty phải dùng doanh thu từ việc dẫn tàu ngoại để “cõng” chi phí dẫn tàu nội.
“Hiện nay, đơn vị được phân dẫn một số tuyến luồng như tuyến dẫn tàu Vạn Gia, Mũi Chùa, Hòn Gai, Cẩm Phả, Hòn Nét. Khoảng ba năm nay, tuyến Vạn Gia không có tàu và tuyến Mũi Chùa cũng vậy.
Nhưng theo quy định, vẫn phải đảm bảo định biên về con người và phương tiện thường trực ở các trạm điều hành. Tuyến Cẩm Phả mấy năm nay mới có tàu. Chúng tôi phải lấy các tuyến Cẩm Phả, Hòn Gai để nuôi cho toàn bộ các tuyến”, ông Thành chia sẻ.
Theo ông Trần Minh Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Hoa tiêu Việt Nam, một số khu vực như hoa tiêu khu vực V (Cần Thơ), khu vực VIII (Khánh Hòa), khu vực XI (Vũng Tàu) gặp nhiều khó khăn do các tuyến dẫn tàu được phân công chủ yếu nhiều tàu nội địa.
Trong bối cảnh giá hoa tiêu dẫn tàu nội thấp, việc số lượng tàu nội ngày càng tăng dẫn tới các doanh nghiệp lâm vào tình cảnh thu không đủ bù chi, kém xa so với dẫn tàu quốc tế, dù vẫn phải cung ứng dịch vụ, đưa đón hoa tiêu, thời gian làm việc như nhau.
Ông Thuận cũng phân tích, một số tuyến dẫn tàu của hoa tiêu hiện nay chưa hợp lý. Ví như hoa tiêu khu vực VIII được phân tuyến dẫn tàu mới tại Vân Phong.
Từ trụ sở tại Nha Trang đi Vân Phong có khoảng cách khá xa (khoảng 100km). Việc di chuyển, đưa đón hoa tiêu mất nhiều thời gian và chi phí nhưng không được tính vào tuyến đặc thù và vẫn áp vào biểu giá quy định. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh mức giá hoa tiêu nội địa sao cho phù hợp.
Đại diện Cục Hàng hải VN thông tin, từ khi chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá, giá hoa tiêu vẫn được giữ nguyên nên có một số điểm chưa phù hợp. “Trong kế hoạch năm 2023, Bộ GTVT đang trong quá trình lấy ý kiến, sửa đổi bổ sung Thông tư 54. Trong đó, có thể điều chỉnh một số điểm chưa phù hợp”, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận