Xã hội

Hoàn lưu bão số 11 kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn

16/10/2017, 06:25

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, tới 18h ngày 15/10, bão số 11 cách đảo Hải Nam...

5

Người dân tại Thanh Hóa dùng bè chuối đi lại do nước lũ ngập sâu chưa rút

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16. Dự báo tới chiều hôm nay (16/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 110km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 13. Tới ngày 17/10, bão di chuyển theo hướng Tây Nam mỗi giờ đi được 5-10km và tiếp tục suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Quảng Bình - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11 kết hợp với không khí lạnh tăng cường, từ đêm 15/10 đến hết ngày 17/10 ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa, mưa vừa, riêng phía Đông Bắc bộ mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 50-100mm, phía Đông có nơi trên 150mm.

Trong diễn biến khác, báo cáo tổng hợp từ các địa phương tới ngày 15/10 cho thấy, trận mưa lũ vừa qua đã khiến 102 người chết và mất tích; 221 nhà bị sập đổ, hư hỏng; hơn 7.547 con gia súc và 243.227 con gia cầm bị chết, cuốn trôi… Hiện nay, các địa phương vẫn đang tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố về giao thông do mưa lũ gây ra. Tại Thanh Hóa, do nước rút chậm nên vẫn còn 35 xã của 7 huyện vẫn đang bị ngập, trong đó 3 xã bị cô lập: Trung Chính (Nông Cống), Yên Giang (Yên Định), Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc). Trước tình hình này, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang huy động tối đa công suất các trạm bơm, cống tiêu để tiêu úng. Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa cũng đã điều động hơn 623 cán bộ, chiến sỹ lực lượng thường trực, hơn 8.500 lượt dân quân tự vệ, 770 cán bộ, chiến sỹ lực lượng hiệp đồng, cùng nhiều trang thiết bị để hỗ trợ các địa phương. Chiều 15/10, ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa, cho biết đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống địa bàn để hướng dẫn địa phương xử lý hơn 5.005 con lợn tại trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Thái Dương. Tuy nhiên, do nước tại khu vực chuồng trại vẫn còn ngập sâu, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Theo chỉ đạo của Sở TN&MT, khi xử lý đàn lợn chết, phải tìm vị trí chôn lấp cách xa dân và xa nguồn nước mặt, nước ngầm khu dân cư, tránh xảy ra nguy cơ ô nhiễm môi trường sau này.

Tại Nghệ An, trước nguy cơ bão số 11 được dự báo sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa phương này, từ ngày 13/10, lực lượng chức năng địa phương đã lên phương án phòng chống bão. Một trong những vấn đề tối quan trọng được địa phương này đặc biệt lưu ý đó là việc đảm bảo an toàn hồ đập và hệ thống đê bao trên các sông. Hiện nay, 100% các hồ đập ở địa phương này đã rơi vào tình trạng đầy nước. Đơn vị vận hành các hồ chứa vẫn tiếp tục xả nước, tuy nhiên lưu lượng xả đã giảm, đảm bảo cao trình tích nước trong các hồ chứa luôn ở mức an toàn. Cùng với việc đảm bảo an toàn hồ chứa, trong suốt 3 ngày qua, hơn 500 cán bộ chiến sĩ và lực lượng chức năng của TP Vinh đã không quản mưa nắng tham gia cứu đê sông Vinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.