Theo quy định, trong trường hợp các khu cách ly không đủ phòng thì các giường cách ly phải đặt cách nhau tối thiểu 1 mét trở lên.
Trước đó, anh T.Q.A. và 94 người khác đi cùng chuyến bay QH9353 nhập cảnh Sân bay Cần Thơ và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại khu cách ly tập trung thuộc Trung đoàn Huấn luyện 897 của Tỉnh đội Sóc Trăng vào ngày 27/4/2021.
Đến ngày 18/5/2021 là đúng 21 ngày hoàn thành thời gian cách ly. Tuy nhiên, đến ngày 19/5, kết quả xét nghiệm lần 3 phát hiện có 4 ca dương tính với SAR-CoV-2. Hiện, các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện 30 Tháng 4, Sóc Trăng.
Để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, những người còn lại buộc phải tiếp tục cách ly thêm 21 ngày tiếp theo, tính từ ngày 18/5/2021.
Vấn đề khiến anh A. và những người khác băn khoăn là nếu tới đây, khi hoàn thành cách ly 21 ngày lần thứ hai, giả sử lại phát hiện thêm ca dương tính thì anh A. và mọi người có tiếp tục phải cách ly thêm lần nữa hay không? Trong khi đó, những người trong khu cách ly không thể tránh khỏi việc có thể tiếp xúc với nguồn lây bệnh.
Theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng (CDC Sóc Trăng), trong tất cả các hướng dẫn mà Bộ Y tế đã quy định thì tốt nhất là cách ly 1 người 1 phòng và 1 nhà vệ sinh riêng.
“Tuy nhiên nếu điều kiện không cho phép thì buộc lòng nhiều người trong khu cách ly phải dùng chung 1 nhà vệ sinh. Do đó, quá trình cách ly và lấy mẫu xét nghiệm nếu có 1 người trong phòng bị dương tính thì buộc lòng những người còn lại phải tiếp tục cách ly thêm, vì khả năng lây lan dịch bệnh cho những người cùng phòng là rất cao”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, theo ông Dũng, một khó khăn nữa là trong khu cách ly không được bố trí đầy đủ camera để xem lại hết cả 21 ngày cách ly. Trong khi đó, những người trong khu cách ly có thể nói chuyện, đánh cờ với nhau hoặc tiếp xúc qua lại với nhau.
Vì vậy, biện pháp phòng tránh dịch bệnh tốt nhất là khi xét nghiệm có người dương tính trong khu cách ly thì những người còn lại buộc lòng phải chấp nhận tiếp tục cách ly.
“Hơn nữa, Bộ Y tế cũng chỉ quy định thời gian cách ly tập trung ít nhất là 21 ngày, còn nhiều nhất là phải tùy vào tình hình thực tế
Về việc có tiếp tục cách ly hay không là do bên khu cách ly đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh khi cảm thấy an toàn. Quyết định cuối cùng là do Ban Chỉ đạo tỉnh quyết”, ông Dũng nói và cho biết, những trường hợp gần hết cách ly, nhưng buộc phải cách ly tiếp tục thì địa phương tích cực tuyên truyền, vận động để họ chấp hành tốt và hãy vì sức khỏe cộng đồng.
Quá trình cách ly, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu xét nghiệm theo quy định, nếu ổn định thì sẽ cấp chứng nhận hoàn thành cách ly tập trung theo quy định.
Trong khi đó, ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, tại khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh có nhiều người ở cùng một phòng, khả năng phòng, chống dịch chưa bảo đảm an toàn.
“Qua kiểm tra, các cơ sở cách ly, đặc biệt tại cơ sở cách ly của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã quyết định chuyển những người đang cách ly, mỗi người ở riêng một phòng”, ông Khải cho hay.
Cũng theo ông Khải, đến thời điểm hiện tại, việc di chuyển những người cách ly đã được cán bộ trong khu cách ly tập trung khẩn trương thực hiện cơ bản đã ổn định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã quy định chi tiết, cụ thể về việc phòng, chống lây nhiễm Covid-19 trong các khu cách ly tập trung.
Theo đó, các khu vực cách ly y tế được yêu cầu đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu: điện, nước, khu vệ sinh, nhà tắm; thông thoáng khí…
Việc sắp xếp người được cách ly vào các phòng cách ly theo nguyên tắc những người có cùng đặc điểm dịch tễ, cùng ngày tiếp nhận thì xếp vào cùng phòng hoặc cùng 1 khu vực trong phân khu cách ly. Tốt nhất bố trí mỗi người một phòng riêng, trong trường hợp không đủ phòng thì các giường cách ly phải đặt cách nhau tối thiểu 1 mét trở lên.
Theo ông Trần Đắc Phu, trên thực tế, có thể ở nhiều địa phương khu cách ly quá đông người cách ly, việc quản lý, giám sát còn buông lỏng. Hoặc có nơi việc chấp hành các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch chưa nghiêm, chưa đúng quy định của người cách ly.
Lý giải thêm về nhiều người bị kéo dài thời gian cách ly do người cùng phòng, có giao tiếp phát hiện mắc Covid-19, ông Phu cho biết: “Theo quy định của Bộ Y tế, thời gian cách ly là 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho cá nhân và cộng đồng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận