Cầu Thắm trên QL10 hoàn thành và đưa vào khai thác từ 20/9. |
Được khởi công từ tháng 5/2014, đến nay, công trình xây dựng cầu Thắm và cầu Bút Sơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào khai thác, rút ngắn tiến độ thực hiện 3-5 tháng, nối thông tuyến QL10 và xóa bỏ toàn bộ phà, cầu phao trên tuyến đường này.
Ngày 20/9, Bộ GTVT tổ chức lễ thông xe hai công trình cầu Thắm và cầu Bút Sơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đây là hai cây cầu thuộc dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ hai do Ban QLDA6 (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư. Cầu Thắm và cầu Bút Sơn được khởi công xây dựng vào tháng 5/2014, theo chỉ đạo của Bộ GTVT sẽ hoàn thành vào tháng 12.
Ông Cao Văn Hùng, Phó TGĐ Ban QLDA6 cho biết, cầu Thắm có chiều dài 488 m được xây dựng tại Km206+900 bắc qua sông Lèn, nối liền hai huyện Hậu Lộc và Nga Sơn, cách cầu phao Thắm 300 m về phía thượng lưu. Về mặt quy mô, cầu được thiết kế với bề rộng mặt cầu 12 m, mố trụ bằng bê tông cốt thép đặt trên móng cọc khoan nhồi đường kính 1,2 m và 1,5 m, khổ thông thuyền 50 m x 7 m. “Phần cầu chính xây dựng bằng dầm hộp liên tục, đúc hẫng cân bằng. Đường hai đầu cầu dài 2,9 km được thiết kế với kết cấu móng cấp phối đá dăm, mặt đường thảm bê tông nhựa, giá trị xây lắp gần 260 tỷ đồng”, ông Hùng nói và cho biết, đơn vị thi công dự án là liên danh TCT Xây dựng Thăng Long - Công ty CP Đạt Phương.
Trong khi đó, cầu Bút Sơn được xây dựng tại Km221+577(QL10) bắc qua sông Bút trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, cách cầu phao Bút Sơn hiện tại 60 m về phía hạ lưu. Cầu có chiều dài hơn 766 m, bề rộng mặt cầu 12 m, mố trụ cầu bằng bê tông cốt thép đặt trên móng cọc khoan nhồi đường kính 1,2 m,... Phần đường hai đầu cầu dài 1,9 km, kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm. Tổng mức đầu tư của công trình là 243,2 tỷ đồng do liên danh Công ty CP Cầu 14 (Cienco1) - Công ty CP Xây dựng Công trình & Đầu tư 120 và Công ty CP Cầu 5 Thăng Long thi công.
“Trong quá trình thi công dự án gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết, công tác GPMB vướng mắc, nguồn vốn bố trí không kịp thời, công tác xử lý nền đất yếu,…Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, tỉnh Thanh Hóa và sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân địa phương vùng dự án đi qua, đến nay, công trình cầu Thắm và Bút Sơn đã hoàn thành đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ yêu cầu 5 tháng với cầu Thắm và ba tháng với cầu Bút Sơn”, ông Hùng cho hay.
“Việc triển khai dự án tín dụng ngành GTVT để nâng cấp mạng lưới đường bộ quốc gia giai đoạn hai với nguồn vốn tài trợ của JICA ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các nguồn vốn trong nước dành cho hạ tầng giao thông còn khó khăn. Cùng với các cây cầu yếu đã được thay thế, hàng chục cây cầu được tiến hành xây dựng thời gian tới sẽ góp phần tích cực trong việc “xóa sổ” cầu yếu, góp phần đảm bảo ATGT trên các tuyến đường”. Ông Cao Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA6 |
Theo Phó TGĐ Ban QLDA6, việc hoàn thành và đưa vào khai thác sớm công trình cầu Thắm và cầu Bút Sơn sẽ nối thông QL10, đồng thời xóa toàn bộ phà và cầu phao trên tuyến đường này, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh đồng bằng Bắc bộ: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đi Thanh Hóa, Nghệ An,… và theo chiều ngược lại.
Đánh giá về ý nghĩa của hai cây cầu này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định, cầu Thắm và cầu Bút Sơn khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối các tỉnh ven biển Bắc bộ với khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), góp phần giảm tải lưu lượng giao thông trên QL1, tăng cường và phát huy hiệu quả khai thác tuyến QL10 và hệ thống giao thông liên vùng, đồng thời tạo tiền đề phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng cho tỉnh Thanh Hóa và khu vực lân cận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận