Hoàn thiện chỉ giới đường đỏ, cắm mốc GPMB
Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông (Ban QLDA) vừa báo cáo UBND TP Hà Nội tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban QLDA cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong đó Hà Nội làm cơ quan có thẩm quyền đối với 3 dự án thành phần1.1; 2.1 và Dự án thành phần 3.
Phối cảnh đường Vành đai 4 trong tương lai
Theo bản đồ quy hoạch trên địa bàn Hà Nội, dự án đường vành đai 4 đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín, Hà Đông, Thanh Oai).
Đoạn qua Hà Nội có tổng chiều dài 58,2km. Hướng tuyến bắt đầu từ km3+695 Nội Bài - Lào Cai xã Thanh Xuân đến khu đô thị Mê Linh. Từ KĐT Mê Linh vượt sông Hồng (cầu Hồng Hà) kéo dài đến xã Hồng Hà (Đan Phượng).
Tiếp tục từ Hồng Hà đến Đan Phượng cắt Quốc lộ 32 kéo dài đến xã Đức Thượng ( Hoài Đức). Tại tuyến đường cắt ngang Đại lộ Thăng Long nối đến QL6 thuộc phường Yên Nghĩa ( Hà Đông). Từ QL6 nối đến QL1A thuộc Văn Bình (Thường Tín), vượt qua sông Hồng qua Mễ Sở sang địa bàn thuộc huyện Khoái Châu - Hưng Yên.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án thành phần 1.1 bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) với tổng mức đầu tư khoảng hơn 13 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành phê duyệt chỉ giới đường đỏ.
Sở Quy hoạch kiến trúc đã xác nhận bản vẽ chỉ giới đường đỏ được 4/5 đoạn (bao gồm cả chỉ giới đường đỏ nút giao Đại Lộ Thăng Long và chỉ giới đường đỏ đoạn qua đê Song Phương). Hiện tại còn 1/5 đoạn (Từ QL32 đến cầu Hồng Hà) vẫn chưa có xác nhận bản vẽ của Sở Quy hoạch kiến trúc để Ban QLDA tổ chức triển khai cắm mốc ngoài thực địa.
Tuy nhiên, để đảm bảo hướng tuyến, cũng như phối hợp đồng bộ với các dự án khác có liên quan, UBND thành phố Hà Nội đang giao các đơn vị liên quan triển khai điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ từ Quốc lộ 32 đến Quốc lộ 6, tỷ lệ 1/500 (đoạn qua khu vực Song Phượng, huyện Hoài Đức liên quan đến đê sông Đáy).
Hiện nay, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã hoàn thành xác nhận bản vẽ chỉ giới đường đỏ, Ban QLDA đã tổ chức công khai chỉ giới đường đỏ tại huyện Hoài Đức ngày 11/11/2022.
Đối với việc điều chỉnh chỉ giới đường đỏ tại nút giao Quốc lộ 6 -Vành đai 4 (bổ sung thiết kế nút hoa thị hoàn chỉnh), Ban QLDA đang thực hiện công tác điều chỉnh chỉ giới đường đỏ, dự kiến hoàn thành công tác điều chỉnh chỉ giới trong tháng 11/2022.
Ban QLDA cho biết đã tổ chức cắm mốc GPMB được 36km/58,2km, có 2km tại huyện Sóc Sơn, 9km tại huyện Mê Linh, 9km huyện Hoài Đức, 4km quận Hà Đông, 7,5km huyện Thanh Oai, 4,5km tại Thường Tín. Riêng huyện Đan Phượng vẫn chưa được cắm mốc GPMB. Dự kiến sẽ hoàn thành công tác cắm mốc, xong trước ngày 30/11/2022.
Chiều dài tuyến đường qua địa phận Hà Nội là 58,2 km
Dự án thành phần 2.1 xây dựng đường song hành (đường đô thị), tổng mức đầu tư hơn 5,3 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, Ban QLDA đã hoàn thành công tác lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự kiến hoàn thành và tổ chức tham vấn cộng đồng trước ngày 30/11/2022; Hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định, có Quyết định phê duyệt trước ngày 31/12/2022.
Về công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hiện đã hoàn thành lựa chọn tư vấn lập báo cáo. Tư vấn đã thực hiện xong công tác khảo sát địa hình, khối lượng công tác khảo sát địa chất đạt 80%, dự kiến xong công tác khảo sát địa chất trước ngày 25/11/2022.
Dự án thành phần 3 bao gồm đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư có tổng mức đầu tư hơn 56 nghìn tỷ. TP Hà Nội đã phê duyệt toàn bộ hướng tuyến và chỉ giới đường đỏ 58,2km; Hưng Yên đã thống nhất toàn bộ hướng tuyến 19,3km; tỉnh Bắc Ninh thống nhất toàn bộ hướng tuyến 35,3km.
Đối với phương án thiết kế tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với tuyến đường sắt Lim - Phả Lại, Ban QLDA phối hợp với Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT-CTCP đang khẩn trương thiết kế điều chỉnh cục bộ tại vị trí nút giao giữa tuyến đường Vành đai 4 với tuyến đường sắt Lim - Phả Lại, dự kiến báo cáo UBND Thành phố trước ngày 25/11/2022.
Về xác định ranh giới GPMB phạm vi ngoài bãi sông đối với các công trình cầu lớn qua sông Hồng (cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở), đơn vị tư vấn đang tổ chức khảo sát các mỏ vật liệu (vị trí, chủng loại, trữ lượng và thời gian khai thác các mỏ vật liệu) và khảo sát vị trí bãi đổ thải chất thải rắn, cơ bản hoàn thành trước ngày 30/11/2022; Hoàn thành toàn bộ hồ sơ trước ngày 15/12/2022.
Cùng đó, đơn vị tư vấn tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3, phấn đấu trình thẩm định trước ngày 31/12/2022.
Đối với công tác GPMB, hiện nay các quận/huyện đã cơ bản lập xong phương án GPMB tổng thể, xác định được vị trí các khu tái định cư và đã thành lập Hội đồng GPMB, tái định cư. Tổ công tác, đang kiểm đếm và dự thảo phương án và xây dựng kế hoạch triển khai phấn đấu hoàn thành GPMB 70% vào tháng 6/2023, hoàn thành công tác GPMB trong năm 2023.
Sớm bố trí vốn GPMB cho các quận, huyện
Để đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội, Ban QLDA cũng kiến nghị các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được TP giao.
Đáng chú ý, về vốn bố trí cho giải ngân các phương án GPMB, theo quy định của Luật đầu tư công việc bố trí vốn cho dự án căn cứ trên cơ sở quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền. Vì vậy việc bố trí vốn cho dự án thành phần chỉ được triển khai sau khi có quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền và sẽ ảnh hướng rất lớn đến tiến độ của công tác giải phóng mặt bằng nói riêng và tiến độ của toàn dự án nói chung. Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm bố trí vốn GPMB cho các quận/ huyện.
Về vốn linh hoạt phục vụ thanh toán bước chuẩn bị đầu tư: Ban QLDA đã có Văn bản số 2656 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc bố trí vốn kế hoạch năm 2022 giải ngân theo cơ chế linh hoạt cho Dự án, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn kế hoạch năm 2022 với tổng kinh phí là 33,6 tỷ đồng cho Dự án.
Công việc xác định ranh giới GPMB phạm vi ngoài bãi sông đối với các công trình cầu lớn qua sông Hồng (cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở), Ban QLDA đề nghị UBND Thành phố xem xét, giao Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, xác định ranh giới GPMB phạm vi ngoài bãi sông đối với các công trình cầu lớn qua sông Hồng (cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở).
Đồng thời, việc cung cấp thông tin về các mỏ vật liệu xây dựng và bãi xử lý chất thải rắn phục vụ thi công Dự án, Ban QLDA đã có Văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm cung cấp nội dung nêu trên làm cơ sở để Ban QLDA hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần.
Đối với phương án cắm mốc, Ban QLDA cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt phương án cắm mốc phạm vi: Đoạn đê Song Phương; các nút giao và đoạn từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở làm cơ sở để Ban QLDA cắm mốc bàn giao cho các địa phương các đoạn trên trước ngày 30/11/2022.
Dự án Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, chiều dài tuyến đường qua địa phận Hà Nội là 58,2 km; trên địa bàn Hưng Yên là 19,3 km; Bắc Ninh là 25,6 km và tuyến nối 9,71 km.
Dự án được đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 17 m (bề rộng cầu 17,5 m). Đầu tư xây dựng phần đường song hành 2 bên qua đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục).
Hình thức đầu tư của dự án là đầu tư công kết hợp đầu tư PPP, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng.
Nhu cầu vốn ngân sách giai đoạn 2026 - 2030 là 6.214 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương: 2.750 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 3.464 tỷ đồng (Hà Nội: 2.134 tỷ đồng; Hưng Yên: 230 tỷ đồng; Bắc Ninh: 1.100 tỷ đồng).
Vốn nhà đầu tư: 27.180 tỷ đồng (chiếm 48% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP). Lãi vay được tính là 2.230 tỷ đồng. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2026.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận