Ngày 18/9, TAND tỉnh Hà Giang tổ chức phiên xét xử 5 bị cáo trong vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Sau khi kiểm tra căn cước những người tham gia tố tụng; điểm danh các cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nhân chứng, chủ tọa phiên tòa, bà Vương Thị Thu Hà cho hay nhiều người làm chứng đã triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt không có lý do. Cụ thể, có 60 người có đơn xin vắng mặt và 62 người vắng mặt không có lý do.
Thẩm phán Vương Thị Thu Hà hỏi đại diện VKS có ý kiến gì về sự vắng mặt này, có yêu cầu triệu tập thêm ai hoặc yêu cầu HĐXX đưa thêm vật chứng hay không?
Đại diện VKS cho rằng, sự vắng mặt của các bị cáo sẽ ảnh hưởng đến kết quả nên căn cứ điều 293 và điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự, VKS đề nghị hoãn phiên tòa.
Sau thời gian nghị án, HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS về việc triệu tập thêm hai người làm chứng là Vũ Thị Kim Chung (Hiệu trưởng trường PTTH Chuyên Hà Giang) và bà Tống Thị Phương (cô ruột của bị cáo Vũ Trọng Lương, nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang).
Trên cơ sở ý kiến đề nghị của kiểm sát viên, các vị luật sư, xét thấy sự vắng mắt của những người làm chứng ảnh hưởng đến việc xét xử nên HĐXX công bố hoãn phiên tòa. Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 14, 15, 16/10.
Luật sư Hoàng Văn Hướng đề nghị tòa xét xử trước hoặc sau mốc thời gian trên vì trùng lịch với việc xét xử vụ gian lận thi cử tại Sơn La (ngày 15/10).
Sau khi hỏi ý kiến lãnh đạo TAND tỉnh Hà Giang, Chủ tọa quyết định vẫn giữ nguyên lịch xét xử như đã công bố.
Trước đó, như Báo Giao thông đưa tin, VKSND tỉnh Hà Giang đã truy tố 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 xảy tại tỉnh này về các tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Các bị cáo này gồm: Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, nguyên trưởng và phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại điều 356 Bộ luật hình sự.
Bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", quy định tại điều 358 Bộ luật hình sự.
Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang; và Lê Thị Dung, nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", quy định tại điều 366 Bộ luật hình sự.
Các cơ quan tố tụng xác định 5 bị cáo nêu trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn, người thấp nhất 2,2 điểm đối với 1 môn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận