Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 phải tạm dừng cấp nước để xử lý vì “sự cố asen” |
Trăm khổ đổ đầu dân
Sự việc xuất phát từ ngày 2/7, trong buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác quản lý chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị TP Hà Nội đình chỉ hoạt động của Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 vì có nồng độ asen trong nước vượt gần 4 lần quy định cho phép. Thông tin này lập tức gây xôn xao dư luận, đặc biệt là trên 1.200 hộ dân (tương ứng khoảng trên 7.000 nhân khẩu) đang sử dụng nguồn nước do trạm này cung cấp.
Chiều 5/7, tại tòa nhà CT 4 Khu đô thị Mỹ Đình 2, rất nhiều người dân buộc phải dùng xô, chậu đi xin nước tại các khu vực lân cận do trước đó Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 đã tạm ngừng cấp nước để thực hiện các biện pháp xử lý theo yêu cầu của cơ quan chức năng TP Hà Nội. Nhiều hộ dân tại tòa nhà đã phải mua bình nước về dùng tạm. Gặp PV ở tầng 1, ông Lê Huy Bẩy - Tổ trưởng dân phố tòa nhà CT4 nói: “Nhiều gia đình đã “di tản” cả rồi. Ai có người quen thì đi tá túc vài ngày. Nhà nào ở gần thì về quê”. Cũng theo ông Bẩy, Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 ngừng cấp nước mấy hôm nay nhưng không hề thông báo cho chúng tôi. “Chưa cần biết nước nhiễm asen ở mức độ như thế nào, nhưng ít ra cũng phải cấp nước để chúng tôi sử dụng cho những nhu cầu tối thiểu”, ông Bẩy bức xúc, những nhà không thể “tá túc” đi đâu thì phải chịu trăm thứ khổ, nào là không có nước tắm, giặt… và nhất là dội nhà vệ sinh.
Anh Quang, chủ căn hộ tầng 10 của tòa nhà CT4 cũng bức xúc: Hiện giờ thì chúng tôi chưa thấy các biểu hiện ngứa ngáy, bệnh tật nhưng nếu quả đúng là hàm lượng asen vượt quá 4 lần cho phép thì cũng lo thật. “Mình dùng nước nhiễm asen nhiều năm nay, bây giờ chưa thấy gì nhưng biết đâu nó “ủ bệnh” thì ai mà biết được”, anh Quang nói.
Trong khi đó, sáng 5/7, lãnh đạo UBND phường Mỹ Đình 2 đã tổ chức cuộc họp với tổ trưởng các tổ dân phố nhằm “trấn an” tinh thần người dân trong khu vực về tình trạng nước nhiễm “độc” trên địa bàn nhưng không hề đưa ra giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên với lý do phường không có thẩm quyền giải quyết.
Cư dân tòa nhà CT4 phải đi xin từng xô nước về dùng |
Người dân nghi ngờ, tự mang nước nhiễm độc đi phân tích
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 được vận hành và đi vào hoạt động từ tháng 6/2004 với công suất thiết kế 1.200m3/ngày đêm với nguồn nước là khai thác nước ngầm. Công suất hiện tại của trạm khoảng 1.000m3/ngày đêm và cung cấp nước cho khoảng 1.290 hộ tiêu thụ (bao gồm cả trường học và cơ quan).
Quá trình hoạt động, Công ty TNHH MTV dịch vụ nhà ở và khu đô thị - HUD là chủ đầu tư xây dựng và cũng là đơn vị quản lý, vận hành. Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 đã ký hợp đồng kiểm tra chất lượng nước định kỳ với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Tuy nhiên, trong khi kết luận của đoàn công tác thuộc Bộ Y tế là hàm lượng asen vượt quá 4 lần cho phép thì theo mẫu xét nghiệm gần nhất của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội vào ngày 14/5/2014, hàm lượng Asen là 0,001mg/l – nằm trong giới hạn cho phép. Điều này cho thấy hai khả năng: Chất lượng nước của Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 không ổn định hoặc quá trình kiểm tra, phân tích có “vấn đề”.
Trong khi đó, theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, vào thời điểm tháng 6/2013, khi nhận thấy nguồn nước sạch có nhiều dấu hiệu không đảm bảo chất lượng như đục bẩn, có mùi hôi, tanh… các hộ dân trong khu dân cư đã tiến hành lấy mẫu nước đem đến Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (18B Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) để làm các xét nghiệm, kiểm tra. Kết quả cho thấy nống độ asen trong nước đã vượt quá 3 lần cho phép theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, các hộ dân trong khu dân cư đã có phản ánh với BQL tòa nhà và Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 thì được những người có trách nhiệm của hai đơn vị này cam kết, đến tháng 8/2013 sẽ xử lý dứt điểm tình trạng nước bị nhiễm asen nặng. Sau đó họ có phát cho các hộ dân trong mỗi tòa nhà một tờ giấy chứng nhận nước đã an toàn. Từ đó đến nay cứ ngỡ là nguồn nước đã được an toàn. Mọi người chỉ “ngã ngửa” khi có đoàn kiểm tra của Bộ Y tế xuống lấy mẫu nước đem đi thử và qua báo đài biết được hàm lượng asen trong nước không giảm đi mà còn vượt đến 4 lần cho phép.
Theo các chuyên gia y tế, thạch tín, với tên gọi khoa học thường dùng là asen hoặc arsenic rất độc hại (gấp 4 lần thủy ngân). Asen xâm nhập vào con người qua con đường nước uống, không khí trong vùng ô nhiễm, nhiễm da do tiếp xúc nhiều liên tục với nguồn nước, không khí ô nhiễm. Khi vào trong cơ thể con người, asen thường tích tụ trong não, các mô da, móng tay, tóc, răng, xương và trong các bộ phận giàu biểu mô như niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non gây nhiễm độc cấp tính cao. Theo nhiều nhà khoa học, asen có thể gây ra tới 19 loại bệnh khác nhau. Nếu bị nhiễm độc asen với liều lượng dù nhỏ nhưng tích tụ trong thời gian dài, sau 5 - 10 năm sẽ gây: Mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu và bạch cầu giảm. Hai loại bệnh phổ biến nhất do asen gây ra là ung thư da và phổi. Nhiều người có hội chứng sạm da, sừng hóa bẩm sinh gan bàn chân, thay đổi sắc tố da, phát sinh các điểm tối, điểm sáng trong lòng bàn tay, chân, gây sừng cứng và hoại tử… |
Minh Thành - Đình Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận