Thị trường

Hoạt động không phép, sàn TMĐT Temu tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng

24/10/2024, 15:30

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Temu chưa đăng ký tại Việt Nam, điều đó có nghĩa sàn thương mại điện tử (TMĐT) này đang hoạt động không phép và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng.

Dễ dàng đăng ký tham gia, gây sốc về giá

Rất dễ dàng để người tiêu dùng Việt Nam trở thành khách hàng của Temu. Chỉ cần có điện thoại thông minh, bất kỳ ai cũng có thể đăng ký tham gia mua bán trên sàn thương mại điện tử này. Những người sử dụng điện thoại hệ điều hành Android có thể vào Google Play (Play Store), hoặc App Store đối với hệ điều hành IOS để tải ứng dụng Temu. Đối với những ai dùng máy tính, chỉ cần mở cửa sổ gõ tên miền Temu là website bán hàng trực tuyến này hiện ra.

Hoạt động không phép, sàn TMĐT Temu tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng- Ảnh 1.

Temu đang gây "bão" trên các mạng xã hội vì mức giá siêu rẻ, giảm giá tới 90% ở nhiều mặt hàng.

Có nhiều lựa chọn để khách hàng đăng ký: bằng số điện thoại, thư điện tử, tài khoản Google Play hoặc App Store… Ngay sau khi nhập mã số từ hệ thống Temu gửi về, người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn các mặt hàng: từ quần áo, giày dép đến đồ điện tử, gia dụng.

Sàn thương mại điện tử thuộc sở hữu của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Trung Quốc PDD Holdings hoạt động tương tự như Shopee, Lazada hay Tiki… nhưng đang thu hút sự quan tâm trên các mạng xã hội vì mức giá rẻ "giật mình".

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông sáng nay (24/10), một camera an ninh wifi PTZ trên sàn Temu đang giảm giá bán còn 151.326 đồng so với niêm yết 898.855 đồng; đèn pin mini siêu sáng Power Bank chỉ còn 29.793 đồng so với niêm yết 92.225 đồng; bộ dụng cụ sửa chữa xe hiệu Hotu từ 893.787 đồng hiện chỉ còn 122.175 đồng... Hầu hết các sản phẩm trên sàn Temu hiện đều giảm từ 70-90%. Trong khi đó, các sản phẩm tương tự trên sàn Shopee, Lazada hay Tiki chỉ giảm từ 20-46%.

Sau khi lựa chọn được các mặt hàng, người tiêu dùng tiến hành thanh toán. Temu hiện chỉ có 2 phương thức: thanh toán qua thẻ quốc tế với 7 đơn vị trung gian bao gồm Visa, American Express, ID Check…; hoặc thanh toán qua tài khoản Goole Play, App Store. Các hãng chuyển phát như Ninjavan và Best Express là những đơn vị nhận từ Trung Quốc và giao hàng tại Việt Nam, tất cả đều miễn phí.

Temu hoạt động trái phép, rủi ro cho người dùng

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công thương chiều 23/10, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, theo Nghị định 85 của Chính phủ về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử muốn hoạt động ở Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.

Hoạt động không phép, sàn TMĐT Temu tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng- Ảnh 2.

Các sàn thương mại điện tử phải đăng ký mới được hoạt động tại Việt Nam.

Trong khi đó, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) nói rằng, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa, sàn TMĐT này đang bán hàng mà không có giấy phép.

Thứ trưởng Tân cho biết, bản thân "cũng giật mình khi thấy giá bán của sàn Temu quá rẻ", nhưng "phải điều tra, nghiên cứu cụ thể để có giải pháp kiểm soát phù hợp". Bộ Công thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động của Temu tới thị trường trong nước. Quan điểm của Bộ Công Thương là chống gian lận, hàng giả, hàng nhái.

Sáng 24/10, PV Báo Giao thông đã liên hệ với đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để tìm hiểu thêm thông tin xung quanh sàn Temu. Đại diện cơ quan này cho biết đang soạn thảo văn bản đánh giá tác động của sàn TMĐT mới này trình lãnh đạo và sẽ cung cấp thông tin cho báo chí vào ngày 25/10, hoặc đầu tuần tới.

Kết nối với sàn thương mại điện tử Shopee để hỏi về cái tên Temu - đối thủ cạnh tranh với các sàn TMĐT tại Việt Nam như Shopee, Lazada hay Tiki (P.V) - đại diện của Shopee cho biết, họ cũng mới chỉ nghe về cái tên Temu qua phương tiện truyền thông như báo chí hoặc mạng xã hội mà chưa có đánh giá nào về sàn TMĐT này.

Theo một chuyên gia marketing, việc Temu hoạt động rầm rộ nhưng chưa đăng ký tại Việt Nam gây ra nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. "Ví dụ, nếu mua hàng trên sàn Shopee, bạn sẽ được đồng kiểm hàng, nghĩa là đúng hàng, đúng chất lượng thì trả tiền. Còn với sàn Temu, bạn phải thanh toán trực tuyến ngay sau khi đặt hàng. Kể cả Temu có chính sách đổi trả trong 90 ngày, bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian và phiền hà, vì hàng hóa chuyển từ nước ngoài về", vị này giải thích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.