PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc tham luận tại hội thảo |
Sáng 18/5, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh với Mặt trận Việt Minh” nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2016), 75 năm ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941-19/5/2016).
Báo cáo đề dẫn hội thảo nhấn mạnh sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp Cách mạng, tư tưởng đó đã trở thành nền tảng của Đảng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân hiện nay.
PGS. TS. Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, thực tiễn luôn thay đổi không ngừng, nhưng tư tưởng của Hồ Chí Minh về Mặt trận vẫn đang tỏa sáng cùng với dân tộc, là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, phát triển trong thời kỳ hội nhập và mở cửa.
Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu tập trung đi sâu làm sáng tỏ cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh về Mặt trận Dân tộc thống nhất, vai trò, ý nghĩa to lớn của Mặt trận Việt Minh đối với Cách mạng Việt Nam.
Nhiều ý kiến khẳng định, Mặt trận Việt Minh ra đời xuất phát từ nhu cầu lịch sử khách quan, phản ánh sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc giải quyết những vấn đề căn bản của Cách mạng Việt Nam. Mặt trận Việt Minh là biểu tượng sáng ngời và tập trung của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh; khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng đúng đắn của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã để lại những kinh nghiệm thành công, nổi bật, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Mặt trận Việt Minh là hình thức dân chủ, là cơ sở củng cố Đảng, chính quyền, Nhà nước, từ đó phát huy vai trò của Mặt trận trong giám sát, phản biện, tạo sự đồng thuận xã hội, trở thành một nguồn lực phát triển đất nước, góp phần khai thác các nguồn lực bên trong, sức mạnh dân tộc.
Trao đổi bên lề hội thảo về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh, thời gian qua nhiều cơ quan, đơn vị, người đứng đầu các cấp đã thấm nhuần tư tưởng của Bác để rồi nỗ lực trong việc xây dựng cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ phục vụ dân.
“Như chúng ta thấy, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, phải chuyển mạnh từ Chính phủ với phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của Chính phủ, chính quyền các cấp. Đó chính là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Phúc dẫn chứng.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng lưu ý thêm, ở một số nơi, một số chỗ và một bộ phận cán bộ dù có học tập nhưng làm theo chưa tốt, dẫn đến còn có những biểu hiện nhũng nhiễu, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. “Học Bác phải làm theo Bác, việc học tập và làm theo không thể chung chung mà phải bằng những việc làm cụ thể. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải có những chương trình hành động và làm theo một cách cụ thể, rõ ràng, chứ nếu chỉ đi dự một vài hội nghị, nghe vài báo cáo chuyên đề… khó lòng tạo sự chuyển biến”, ông Phúc cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận