Đạo diễn Phan Hoàng An |
Bộ phim “Mầm non dưới đáy chai” của đạo diễn Phan Hoàng An đã ẵm gần hết những giải quan trọng của cuộc thi 7 Film Fest như: Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất, Diễn viên chính xuất sắc, Diễn viên phụ xuất sắc, Dựng phim xuất sắc nhất. Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Phan Hoàng An sau khi lễ trao giải (tối 7/12) kết thúc.
Niềm vui bất ngờ
Hoàng An cảm thấy thế nào khi bộ phim “Mầm non dưới đáy chai” nhận được nhiều giải thưởng như vậy?
Tôi thật sự hạnh phúc. Không thể tả hết cảm xúc của tôi với các thành viên trong nhóm nữa. Tôi đang như bay bổng lâng lâng vậy. Lúc thực hiện và dự thi thì cũng hy vọng có giải nhưng không nghĩ là giành giải Phim xuất sắc nhất mà còn nhiều giải quan trọng như vậy. Đây là nỗ lực chung của tất cả các thành viên trong nhóm.
Trong quá trình thực hiện bộ phim, có bối cảnh nào khiến việc sản xuất phim gặp khó khăn?
Việc chọn cây mầm để quay quả thực là một trở ngại lớn. Lúc đầu, nhóm chọn khoảng 20 cây mầm có hình dạng tương tự nhau để quay, vì biết trong quá trình quay thì mầm cây sẽ héo và phải thay thế. Các cảnh quay có cây mầm kéo dài hai ngày nên phải thay cây mầm liên tục. Có khi quay xong nhìn lại thấy cây mầm bị héo nên phải bỏ toàn bộ các cảnh đó để quay lại.
Theo đánh giá của Giám đốc sản xuất Charlie Nguyễn, “Mầm non dưới đáy chai” là một kịch bản không dễ để thể hiện tốt bằng hình ảnh nhưng anh đã làm được điều này, phải chăng anh có bí quyết gì?
Quả thực đây là một kịch bản không dễ thể hiện bằng hình ảnh. Bởi, mối quan hệ giữa vai diễn bé Đậu với mầm cây kia là khó giải thích. Nhưng diễn viên Bảo Bảo đóng vai bé Đậu đã rất xuất sắc. Chỉ trong khoảng vài giây, Bảo Bảo đã có thể truyền đạt được cảm xúc, mối quan hệ giữa mình với mầm cây. Quả thực, với vai trò đạo diễn tôi đánh giá rất cao diễn xuất của Bảo Bảo. Đây cũng là yếu tố tạo nên thành công của bộ phim.
Học kiến trúc giữa chừng chuyển sang đạo diễn
Anh đến với nghề đạo diễn như thế nào?
Trước đây tôi học Đại học Kiến trúc TP.HCM, nhưng đang học năm thứ hai thì nghỉ và chuyển sang học chuyên ngành Truyền thông. Trong quá trình học truyền thông tôi có điều kiện tiếp xúc với môi trường làm phim, từ đó cảm thấy môi trường làm phim rất thú vị, rồi tôi theo đuổi nó đến tận bây giờ.
Anh đã thực hiện bao nhiêu bộ phim?
Khoảng 5 bộ phim ngắn, nhưng đây là bộ phim đoạt giải cao nhất nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Năm ngoái, tôi cũng có tham gia 7 Film Fest nhưng chỉ đoạt giải Khuyến khích. Thế nên, năm nay cũng có nhiều kinh nghiệm hơn, mình càng làm nhiều thì càng có nhiều kinh nghiệm. Năm ngoái, sự chuẩn bị chưa thực sự tốt. Ngay cả khi tham gia cuộc thi năm nay cũng vậy, lúc đầu tôi chọn kịch bản chưa tốt nên cũng bị loại, sau đó gặp Diệu Hiền và đọc kịch bản Mầm non dưới đáy chai tôi rất hài lòng và quyết định cùng nhóm thực hiện bộ phim này.
Anh có gặp nhiều khó khăn khi làm phim về chủ đề ATGT không?
Đây là một chủ đề khó, bởi vấn đề về ATGT nhiều khi mọi người đều nghĩ là biết rồi, ai cũng từng thấy. Nhưng khi thực hiện bằng phim thì phải chọn cách thể hiện nào cho hợp lý, nhẹ nhàng mà phải đi vào lòng người. Nhưng nếu biết cách thì vẫn có nhiều khía cạnh khác nhau. Làm sao khi nói về vấn đề ATGT không phải nói một cách trực diện, bởi như vậy rất khô cứng. Mình diễn đạt vấn đề theo một cách khác nhưng thông điệp tuyên truyền về ATGT phải hiệu quả và sâu sắc nhất.
Xem thêm video:
Hai năm liền có phim tham gia dự thi, anh đánh giá thế nào về 7 Film Fest?
Cuộc thi 7 Film Fest có ý nghĩa rất tốt về mặt xã hội, qua cuộc thi nhiều phim ngắn, xúc tích về chủ đề ATGT được thực hiện. Những phim này nếu được công chiếu rộng rãi tại các rạp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chắc chắn sẽ có hiệu ứng tuyên truyền rất cao.
Về mặt nghiệp vụ, mặc dù đây là cuộc thi về chủ đề ATGT nhưng chất lượng sản xuất các bộ phim tôi đánh giá là rất cao. Bình thường các bạn đạo diễn, biên kịch, diễn viên trẻ rất ít có cơ hội cùng làm việc với những đạo diễn nổi tiếng như: Charlie Nguyễn, Hàm Trần và biên kịch Kathy Uyên. Đặc biệt, qua các buổi làm việc trực tiếp với biên kịch Kathy Uyên, Hàm Trần…các bạn biên kịch, đạo diễn trẻ đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Trong những ngày lăn lộn cùng đạo diễn Charlie Nguyễn để sản xuất bộ phim, tôi mới thấy được sự chuyên nghiệp của những đạo diễn lớn. Họ chú ý từ những chi tiết nhỏ nhất để làm nên một bộ phim có chất lượng trước khi công chiếu đến khán giả. Nói thật, không có đạo diễn Charlie Nguyễn, bộ phim của tôi cũng hoàn thành nhưng chắc chắn sẽ rất nhiều “sạn”.
Anh có dự định thực hiện thêm các bộ phim liên quan đến ATGT trong thời gian tới?
Nếu có cơ hội tiếp cận với những kịch bản tốt về chủ đề này, tôi vẫn sẽ tham gia. Khi làm những phim về ATGT mới thấy đây là chủ đề rộng và có thể làm nên nhiều bộ phim hay.
Cảm ơn anh!
”Đạo diễn trẻ Hoàng An có những điểm sáng và có khả năng kể chuyện bằng hình rất tốt”. Đạo diễn Charlie Nguyễn ”Tôi cho bộ phim này số điểm cao nhất, bởi đạo diễn đã thực sự cho thấy một tầm nhìn từ hình ảnh đầu tiên”. Đạo diễn Hàm Trần |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận