Thời sự

Học giả Mỹ:Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam tiến bộ hơn tuyên ngôn Mỹ

02/09/2017, 08:15

Học giả Lady Borton phân tích một số điểm khác nhau trong hai bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam và của Mỹ.

5

Nhà báo Lady Borton và nhà văn Sơn Tùng

Tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX” diễn ra từ ngày 19 - 21/9/2000 tại Hội trường Ba Đình, bà Lady Borton, nhà văn hóa, nhà báo Hoa Kỳ, nói tiếng Việt Nam như người Việt phát biểu: “… Các nhà sử học Mỹ vẫn sai lầm ở chỗ họ nghĩ rằng Hồ Chí Minh trực tiếp trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Ông không hề trích dẫn. Trái lại, Hồ Chí Minh đã sửa đổi tài liệu đó để khẳng định cách nhìn của ông”.

Bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ viết: “We hold these truths to be self evident, that all, men are created equal… (emphasis) (Chúng tôi coi đây là những chân lý hiển nhiên rằng mọi đàn ông sinh ra đều bình đẳng.

Nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh bắt đầu bằng “Tất cả mọi người (tôi gạch dưới) đều sinh ra có quyền bình đẳng”- All people (emphasis) are created equal”.

Cách chọn chữ của Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi “Hỡi đồng bào cả nước” rõ ràng đã nói lên cái ý không thể đơn giản dịch nó ra tiếng Anh được. “Hỡi” có nghĩa như “thân mến” và “cả nước” có nghĩa như “toàn bộ đất nước”. Cách chọn chữ rất hay của ông Hồ là “đồng bào”. “Bào” có nghĩa là “cái bọc” như trong “bọc trứng”. Nó khiến ta liên tưởng đến huyền thoại gốc gác của Việt Nam, mẹ Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng, nở ra năm mươi người lên ở miền núi và năm mươi người xuống đồng bằng. “Đồng” có nghĩa là rất nhiều. Do đó, “đồng bào” có nghĩa là “rất nhiều người được sinh ra trong cùng một bọc trứng”, hoặc nghĩa là “những người thân thích”.

Tuyên ngôn Độc lập của ông Hồ còn bao hàm ngôn ngữ tổng hợp nữa như: “Dân” (“people” “common people”, “nhân dân” (“citzens”) và dân tộc (“nation”, “the people”. Từ ngữ Việt Nam để chỉ “con người” (“men”) không hề xuất hiện ở đây.

Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ viết năm 1776 và bản “Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam viết năm 1945 đều nổi tiếng” rằng họ (“con người” trong văn bản Mỹ) được tạo hóa trao cho những quyền bất khả xâm phạm, trong những quyền đó có quyền được Sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Rất có ý nghĩa ở chỗ bản trước đây của Mỹ, trái lại đã viết: “Sống tự do và mưu cầu sở hữu John Hancock, người đầu tiên ký vào bản đó bằng một chữ rất oai, ông ta là người giàu có nhất bang Massachusetts. Các chữ ký sau là của những người giàu có “sở hữu” của họ ở đây bao gồm nô lệ”.

Tôi rất cảm phục và trân trọng nhà văn Mỹ, Lady Borton về những phát hiện tầm lớn khác nhau trong hai bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ và năm 1945 của Việt Nam. Bà vẫn đang tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Trong một buổi làm việc ở nhà tôi, nhà văn Lady Borton có một so sánh rất thú vị: “…Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 thì ngày 6/1/1946 tất cả mọi người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, tôn giáo, giàu nghèo… đều được đi bỏ phiếu bầu Quốc hội. Còn ở Mỹ, Tuyên ngôn Độc lập năm 1776, phải đến năm 1870 những người Mỹ da màu mới được quyền đi bầu, người phụ nữ phải đến năm 1923 mới có “tu chính án về nam nữ bình đẳng”.

Tôi nói với bà, từ ngày còn ở trên rừng, Hồ Chí Minh của chúng tôi đã đặt viên đá “Quan hệ Việt-Mỹ”. Sau khi Người đọc “Tuyên Ngôn Độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần tuyên bố: “Sẵn sàng làm bạn với các nước trên toàn thế giới”. Đối với Hoa Kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt mối bang giao vào hàng đầu và kiên trì, ví như ngày 30/8/1945 Chủ tịch gửi công điện cho Truman-Tổng thống Mỹ mà ông Archimeds LA Ptti đại diện OSS ghi nhận trong sách: “Tại sao Việt Nam” (Why Vietnam) trang 237, bản tiếng Việt xuất bản năm 1995: “Từ sáng sớm ông Võ Nguyên Giáp đã gửi cho tôi một thư yêu cầu tôi chuyển bức công điện sau đây của ông Hồ gửi Tổng thống Truman: “Để đảm bảo có kết quả cho vấn đề mà Ủy ban Liên tịch các nước đồng minh có nhiệm vụ giải quyết ở Việt Nam, yêu cầu để phái đoàn Mỹ được làm một thành viên của Ủy ban nói trên và đặt quan hệ với Chính phủ chúng tôi… Chúng tôi yêu cầu cho Chính phủ chúng tôi, chính quyền duy nhất hợp pháp ở Việt Nam và là người duy nhất đã chiến đấu chống Nhật (Sic - hoạt động quân sự do Mặt trận Việt Minh và sỹ quan Mỹ tiến hành) có quyền có đại diện trong Ủy ban đó - Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký thay” (Điện số 37.30.8.1945).

Ngày 22/10/1945, Hồ Chủ tịch - Người kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao gửi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ: “…Thưa ngài, tình hình ở Việt Nam đã đến giai đoạn khẩn cấp đòi hỏi sự can thiệp ngay lập tức từ phía Liên hợp quốc. Tôi hy vọng qua lá thư này sẽ gửi tới Ngài một số điều làm sáng tỏ thêm về trường hợp Việt Nam mà trong ba tuần qua đã được sự chú ý của toàn thế giới.

Trước hết, tôi xin được chuyển tới Chính phủ của Ngài một số tư liệu, trong đó có bản Tuyên ngôn Độc lập của chúng tôi, bản công bố của cựu Hoàng đế Bảo Đại vào dịp ông thoái vị, bản tuyên bố của Chính phủ chúng tôi về chính sách đối ngoại và một bức công hàm nêu rõ lập trường của chúng tôi đối với các vấn đề có liên quan tới Việt Nam”.

Cuối tháng 10/1945, Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, Trung Hoa (Tàu Tưởng) và 50 quốc gia phê chuẩn Hiến chương Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thành lập và họp phiên đầu tiên tại Luân Đôn vào đầu tuần tháng Giêng năm 1946, công bố Hiến chương Liên hợp quốc với những lời mở đầu mỹ miều… “Chúng ta, các dân tộc thuộc Liên hợp quốc, quyết tâm tránh cho những thế hệ kế tiếp khỏi sự đau khổ của chiến tranh mà đã hai lần gây ra nỗi thống khổ không kể xiết cho nhân loại và khẳng định lại sự thật về những quyền cơ bản của con người, về phẩm giá và giá trị con người, về quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa các quốc gia lớn và nhỏ và đưa ra điều kiện có thể duy trì các hiệp ước, các điều luật quốc tế”.

Hồ chủ tịch đâu có “cả tin” vào cái mỹ miều văn chương trong hiến chương ấy và các nước lớn đầy tham vọng thực dân. Nhưng dù sao cũng có cái văn bản pháp lý quốc tế thì tranh thủ khi còn tranh thủ được… Cho nên, Người đã ký ngay một công điện tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Và Rằm tháng Giêng, Nguyên tiêu, tức ngày 16/2/1946, Người gửi cho Tổng thống Mỹ: “Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Hà Nội. Gửi Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Oasinhton.D.C.

Ngài Tổng thống kính mến. Nhân dịp này tôi xin được cảm ơn Ngài cùng nhân dân Hoa Kỳ về sự quan tâm, có lợi ích cho các dân tộc thuộc địa mà các đại diện của Ngài tại tổ chức Liên hợp quốc đã bày tỏ… mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”…

Tôi trích lục một vài dấu ấn lịch sử ấy với người bạn Mỹ Quaker, nhà văn Lady Borton đang hiện diện bên bàn viết của tôi. Như để bày tỏ sự tương đắc, bà Lady Borton trao vào tay tôi cuốn sách bà viết After sorrow đã dịch ra tiếng Việt (Tiếp sau nỗi buồn - Nhà xuất bản Thế giới in 1997).

Tôi nói với Lady Borton - thật đáng buồn: Niềm khát vọng “độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ… làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng tôi sáng ngời, mà tham vọng của Đế quốc Mỹ lại phủ đen nửa thế kỷ 20.

Bà là nhà văn, nhà báo, nhà nghệ sỹ nhiếp ảnh, tôi tin chắc bà nhớ kỹ cái điều được in chữ nghiêng trên tờ Thời báo New York ngày 12/12/1950: “Đông Dương là một miếng mồi đáng cho chúng ta đánh một canh bạc to”. Từ bấy trở đi, trải qua mấy đời Tổng thống: Aixenhao, Kennơđi và nhất là Tổng thống Giônxơn, Nichxơn đã mở ra những canh bạc máu với nhân dân Việt Nam… và đã chuốc lấy thất bại ê chề trước khát vọng độc lập tự do của người Việt Nam như kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.