“Một ngày nọ, lũ quái vật thuồng luồng tổ chức bữa tiệc ăn mừng bắt trẻ con, trong cuộc vui chúng đua nhau khoe thành tích.
Con thuồng luồng đầu đàn nói rằng không khó để bắt được một đứa trẻ. Nếu có nhiều đứa trẻ đứng trên bờ, thì hãy để một vài đứa thỏa chí vui đùa trong nước, những đứa còn lại thấy bạn bơi quá dễ dàng nên nhảy xuống.
Thuồng luồng chỉ cần rút chân một đứa, ngay lập tức những đứa bơi tốt hơn sẽ lao đến cứu, nhưng vì không đủ sức và kĩ năng, tất cả lũ trẻ cùng chết chìm”.
Dạy bơi là phương pháp tốt nhằm nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ
Đó là câu chuyện bà ngoại kể cho tôi hồi nhỏ. Bà nói, để không bị thuồng luồng rút chân, thì tôi phải học bơi thật giỏi. Tập bơi không khó.
Trẻ con trong xóm dạy nhau đứa nào cũng biết bơi. Nhưng vẫn nhiều đứa chết đuối, kể cả đứa bơi giỏi nhất, có những cái chết bà ngoại chẳng thể giải thích cho tôi hiểu, cho đến khi tôi lớn lên và tự tìm câu trả lời.
Những ngày qua, câu chuyện cháu bé 7 tuổi ở Thanh Hoá bị đuối nước được thượng úy công an cứu sống bằng cách thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực được lan truyền mạnh mẽ trên mạng.
Đó là một câu chuyện rất xúc động. Nhưng có một chi tiết, thiếu úy công an đã cầm hai chân cháu bé dốc ngược ra sau, rồi chạy quanh sân. Đây là động tác cấp cứu sai.
Trước đây, kinh nghiệm dân gian chữa đuối nước là như vậy, thậm chí cầm hai chân quay vòng tròn để tháo hết nước nhưng y học hiện đại đã chỉ ra rằng cách này thậm chí làm hại nạn nhân.
Khi người chết đuối bị sặc nước, theo phản xạ ngay lập tức nắp thanh quản đóng lại, nước tràn vào phổi rất ít. Nạn nhân uống no nước vào dạ dày. Nguyên nhân chết không phải dạ dày chứa đầy nước, mà chết vì thiếu oxy, nên biện pháp dốc ngược chạy quanh sân không có tác dụng.
Dốc ngược chỉ làm mất cơ hội cứu sống.
Ngay khi đưa nạn nhân lên bờ, việc đầu tiên phải kiểm tra trong miệng có dị vật rong rêu gì không, nếu có thì xoay đầu sang một bên, dùng ngón tay móc ra hết. Tiếp theo, nếu nạn nhân ngừng thở, lập tức phải hồi sức tim phổi nhân tạo.
Đặt nạn nhân nằm ngửa, lòng bàn tay đặt lên trán ấn xuống, tay kia nâng cằm lên và cho nạn nhân há miệng. Hít hơi thật sâu, ngậm vào miệng nạn nhân và thổi trong 1 giây hết sức, làm như vậy 2 lần.
Lòng bàn tay đặt vào điểm giữa hai núm vú, tay kia đè lên, các ngón tay đan xen vào nhau, thực hiện ép tim 30 lần, độ sâu khoảng 5cm. Làm liên tục, có thể kéo dài cả tiếng cho đến khi nạn nhân thở lại thì mới dừng, rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Làm bác sĩ, tôi đã chứng kiến những nạn nhân bị đuối nước, bị tai nạn thương tích, khi đến viện không còn cơ hội sống, hoặc nếu cứu được thì di chứng để lại rất nặng nề. Mà nguyên nhân do những người cứu nạn đã thực hiện sơ cấp cứu sai.
Trong tình huống khẩn cấp không thể đòi hỏi mọi người đều hành động chuẩn xác. Sai sót là đương nhiên nhưng khi một hành động sai được lặp đi lặp lại rất nhiều lần, cộng đồng lại cho rằng đúng thì điều đó thật nguy hiểm.
Ở nhiều nước phát triển, người ta tìm mọi cách để hạn chế những sai sót như vậy. Tất cả tài xế taxi, xe buýt, lính cứu hỏa, cảnh sát đều biết đỡ đẻ thuần thục. Thậm chí, họ biết cách đỡ em bé và cắt rốn, biết nếu trẻ không khóc thì phải làm gì, nếu bị ngạt thì hồi sức tim phổi sơ sinh tại chỗ như thế nào.
Tôi đặc biệt ấn tượng với bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Rocco Morabito, tác phẩm có tên “Nụ hôn của sự sống” ghi lại khoảnh khắc một công nhân sửa điện bị ngừng thở ngừng tim ngay trên đỉnh cột.
Mạng sống được tính bằng giây, bằng phút. Đồng nghiệp của anh, thay vì đưa nạn nhân xuống đất, đã thổi ngạt và ép tim tại chỗ; chỉ có sự hiểu biết và kĩ năng sơ cấp cứu tuyệt vời như vậy mới làm cho trái tim nạn nhân đập trở lại.
Tôi băn khoăn tự hỏi: Cần phải làm gì để giảm tỉ lệ chết do tai nạn thương tích quá lớn ở Việt Nam? Mỗi ngày trung bình có 5 trẻ chết đuối và nhiều ca tai nạn không được sơ cấp cứu đúng cách kịp thời.
Tại sao chúng ta không dạy học sinh tập bơi trước khi học các môn thể thao khác? Khi trẻ lớn, trước khi tốt nghiệp, hãy dạy chúng kĩ năng cứu người chết đuối, kỹ năng hô hấp nhân tạo.
Thật tiếc, chúng ta thường chỉ nêu ra những khó khăn kiểu như trường học làm gì có bể bơi để trì hoãn những việc này thay vì tìm cách tháo gỡ. Ví dụ tổ chức cho các trường liên kết với các bể bơi để dạy cho trẻ.
Ở quê, thì khoanh vùng một đoạn sông nào đó để dạy trẻ. Nhiều câu lạc bộ tự nguyện đã làm việc này.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, không chỉ dạy bơi cho trẻ em tiểu học, một số ngành nghề chuyên biệt như tài xế, lính cứu hỏa, quân nhân... cần được đào tạo tốt kỹ năng cứu hộ và sơ cấp cứu.
Chúng ta phải thay đổi để mỗi cá nhân được khỏe mạnh, để xã hội được an toàn, để giảm gánh nặng tàn phế và ngăn chặn những cái chết đau đớn.
BS. Trần Văn Phúc
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận