Chỉ còn vài ngày nữa, hàng trăm nghìn học sinh THCS sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bằng phương thức xét tuyển. Chỉ riêng tại khu vực Hà Nội, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015 - 2016 dự kiến sẽ có 85.000 thí sinh tham gia, tăng gần 10.000 em so với năm ngoái. Do số lượng thí sinh tăng nhiều nên trong giai đoạn nước rút này các em đều đang ôn thi đến “nghẹt thở”.
Em Phương Hoa - học sinh lớp 9 ở đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) năm nay muốn vào học tại THPT Chu Văn An chia sẻ: “Gần 1 tuần nay tối nào em cũng học tới 12h khuya mới đi ngủ để ôn lại hết các kiến thức, do tỉ lệ chọi là 1/5 nên chỉ cần sơ suất là em sẽ không thể vào được ngôi trường mà em mong muốn được nhập học”.
Học sinh đang gấp rút ôn luyện chuẩn bị cho cuộc đua vào lớp 10 (ảnh minh họa). |
Cũng muốn thi vào trường chuyên Chu Văn An, cả tháng trước ngày thi, em Nguyễn Nhất Linh ở phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) đều cất công đến các trung tâm ôn luyện cho dù chi phí ôn luyện không hề rẻ. “Mặc dù ở lớp cô giáo dặn chúng em trước kỳ thi phải ngủ sớm, ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe nhưng sát ngày thi, em ngoài thời gian ở trung tâm ra là ngồi vào bàn học đến tận đêm khuya”, Linh chia sẻ.
Không chỉ học sinh vất vả ôn thi, các bậc phụ huynh trong những ngày cận kề cuộc đua vào lớp 10 cũng ăn ngủ không yên. Chị Vũ Thùy Dương ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Gần 1 tháng nay tôi phải tạm gác công việc lại để đưa con đi ôn thi vì trường THPT Trần Hưng Đạo cháu đăng ký có tỷ lệ tới 1 chọi 8”.
Chưa dừng lại ở việc đưa con đi ôn luyện, do số lượng thí sinh tăng vọt nên nhiều phụ huynh còn vội vã lo tìm phương án dự phòng cho con trong trường hợp thi trượt.
Mặc dù theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký hai nguyện vọng trong cùng khu vực nhưng các bậc phụ huynh vẫn chưa yên tâm vì sợ nguyện vọng 2 cũng “hết chỗ” nên đã tìm tới các trường dân lập.
Theo tìm hiểu từ các bậc phụ huynh, những trường THPT dân lập được ưa chuộng có truyền thống dạy học tốt, giáo viên được tuyển chọn, đào tạo được nhiều học sinh giỏi, giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước phải kể đến: Lương Thế Vinh, Marie Curie, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tất Thành, Lômônôxốp…
Mức học phí của những trường này dao động từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, những trường này do lượng thí sinh đăng ký khá cao, chỉ tiêu tuyển sinh ít nên học sinh không dễ vào được.
Lãnh đạo trường Marie Curie chia sẻ rằng, khác với thi tuyển lớp 5 lên lớp 6, học sinh trong trường được ưu ái thông cấp thì học sinh lớp 9 lên lớp 10 phải theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội là thi tuyển và xét tuyển. Do số lượng học sinh đăng ký thi vào trường cao, tỷ lệ chọi lớn nên việc các em thí sinh phải chịu áp lực.
Một số ý kiến cho rằng, với việc tăng số lượng học sinh thi vào lớp 10 như vậy sẽ khiến cuộc đua trở nên quyết liệt hơn. Ở Hà Nội, phải kể đến các trường THPT top trên lại có sự biến động tăng lên. Trong đó, trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân có 480 chỉ tiêu/3.887 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 8); THPT Việt Đức có 600 chỉ tiêu/1.260 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 2); THPT Kim Liên có 600 chỉ tiêu/1.547 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 2,5), Tây Hồ có 560/2.900 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 5,5), Đoàn Kết - Hai Bà Trưng 560/3.707 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 7), Quang Trung - Đống Đa 560/2.940 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 5,5); Nguyễn Văn Cừ 540/2.483 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 5). Tỷ lệ chọi của các trường này tăng gần gấp đôi với với năm ngoái...
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng phòng Quản lý thi, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở đã cho phép một số trường THPT trên địa bàn tăng 5 - 10% chỉ tiêu so với năm học trước. Song song với đó, Sở yêu cầu các trường tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận