Học sinh rực rỡ với trang phục truyền thống
Sáng 5/9, thời tiết tại các huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên mát mẻ, khô ráo thuận lợi cho lễ khai giảng.
Hơn 200.000 học sinh ở Điện Biên trong những bộ trang phục với nhiều màu sắc của đồng bào các dân tộc làm cho không khí ngày đầu đến trường thêm vui tươi, rực rỡ.
Nhằm giáo dục truyền thống, nét đẹp của các dân tộc, nhiều trường học trên địa bàn Điện Biên đã kêu gọi học sinh mặc trang phục truyền thống đến trường, đồng thời lồng ghép hoạt động, trò chơi dân gian trong lễ khai giảng.
Học sinh miền núi huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên rực rỡ với trang phục truyền thống trong ngày khai giảng năm học mới.
Em Mùa A Hồng Y (dân tộc Mông), học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Nậm Pồ vui vẻ nói: "Em cảm thấy tự hào khi mặc bộ quần áo truyền thống và những hoạt động, trò chơi dân gian trong lễ khai giảng năm nay".
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: Năm học 2024 - 2025, Điện Biên có 482 trường, trung tâm giáo dục với 7.396 lớp và 207.667 học sinh.
Hiện ngành GD&ĐT Điện Biên thiếu 2.076 giáo viên, trong đó 915 giáo viên mầm non, 522 tiểu học, 406 trung học cơ sở và 233 trung học phổ thông.
Căn cứ chỉ tiêu được giao, năm học 2024 - 2025 toàn ngành sẽ tuyển dụng mới 533 giáo viên (260 mầm non, 120 tiểu học, 119 THCS, 34 THPT); hợp đồng 434 giáo viên (208 mầm non, 93 tiểu học, 83 THCS, 50 THPT).
Đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới
Tại xã Hồng Ca (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) có 460 học sinh, 100% là người dân tộc Mông, trong đó 170 học sinh khối THCS và 290 học sinh khối tiểu học đã chính thức bước vào năm học mới.
Ngôi trường cũ bị sạt lở đất nên năm học 2024-2025 các em học sinh phải đi học nhờ.
Trước đó, do mưa lớn nhiều ngày cuối tháng 8, khu vực núi sau trường Tiểu học và THCS Hồng Ca 2 ở xã Hồng Ca (Trấn Yên - Yên Bái) xuất hiện các vết nứt rộng, nhiều điểm trên taluy bị đứt gãy, hở hàm ếch, biến dạng so với ban đầu, nước từ lòng đất phun lên tại nhiều vị trí, cây cối trên các taluy bị nghiêng, trượt, nguy cơ sạt lở rất cao.
Điểm sạt trượt dài khoảng 200m, cao hàng trăm mét, khối lượng đất đá ước tính lên đến hàng trăm nghìn m3. Nguy cơ sạt lở cao không đảm bảo an toàn cho việc dạy và học, cũng như ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực.
Năm học mới, 460 học sinh người Mông ở huyện Trấn Yên - Yên Bái phải chuyển chỗ học do trường cũ bị sạt lở.
Sau khi tiếp nhận kiến nghị của nhà trường, UBND xã Hồng Ca đã đề xuất lãnh đạo huyện Trấn Yên tạm thời bố trí học tạm tại điểm trường mầm non Hồng Ca, cách điểm trường bị sạt lở khoảng 2km để đảm bảo an toàn trong thời gian chờ bố trí xây dựng trường mới.
Sau lễ khai giảng, các em học sinh sẽ học tạm tại điểm trường mầm non này trong khoảng 1 năm cho đến khi trường mới hoàn thành.
Do đó, nhà trường xây dựng chương trình học chia 2 ca. Đối với các phòng học rộng sẽ ghép lớp để đảm bảo đủ diện tích học tập.
Thời gian đầu, học sinh chỉ học nửa buổi nên nhà trường không tổ chức nấu ăn. Về lâu dài, với một số ngày phải học 2 buổi/ngày, sẽ đảm bảo duy trì bếp ăn để học sinh có điều kiện tốt nhất cho việc học tập.
Tại xã Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), mưa lũ đã làm Trường Tiểu học Chiềng Nơi bị ngập sâu, thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, đồ dùng, trang thiết bị giảng dạy, học tập.
Sau khi nước rút, hàng nghìn m3 bùn, đất, củi đã đọng lại các phòng, lớp học, sân trường khiến công tác khắc phục hậu quả, chuẩn bị cho năm học mới gặp rất nhiều khó khăn.
Trường Tiểu học Chiềng Nơi có 29 lớp, trong đó có 2 lớp ghép, tổng số hơn 750 học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, cán bộ, giáo viên nhà trường đã và đang củng cố, khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, chuẩn bị đủ số lượng sách, thiết bị giảng dạy và học tập.
Nhà trường đã khẩn trương cải tạo, sửa chữa phòng học, sân chơi, bãi tập bị xuống cấp, hỏng sau mưa lũ, tổ chức vệ sinh môi trường sạch sẽ nhằm đáp ứng việc học tập của học sinh.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Nơi - Hà Minh Công cho biết, đợt mưa lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho nhà trường, nhất là điểm trường trung tâm, phòng học có chỗ bị ngập sâu khoảng 1,5m, bàn ghế bị hỏng rất nhiều.
Sau khi lũ rút, nhà trường đã huy động cán bộ, giáo viên và các lực lượng cùng nhân dân địa phương chung tay dọn dẹp củi, cành cây, bùn đất có chỗ ngập đọng hơn 1m, khối lượng gần 700m3.
Trong sáng nay, hơn 750 học sinh đã được tham gia lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 trong khuôn viên sạch sẽ, an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận