Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tại hội nghị. Ảnh Đỗ Loan |
Đó là phát biểu của Thứ trưởng trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật tại “Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành Hàng không”, diễn ra chiều 2/6 tại Học viện hàng không Việt Nam.
Nguồn nhân lực yếu, thiếu
Chia sẻ về những khó khăn hiện nay của Học viện, Bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam cho biết: “Mỗi năm ngành hàng không cần đào tạo 400-500 tiếp viên hàng không, nhưng Học viện chưa đáp ứng được, có về số lượng nhưng thiếu về chất lượng. Hiện nay bằng cấp chứng chỉ của Học viện hàng không đào tạo không được xem là chứng chỉ chuyên môn. Hơn nữa trang thiết bị đầu tư giảng dạy có từ năm 2000, giáo viên giỏi rất hiếm. Mảng đào tạo kiểm soát viên không lưu thiếu thốn về cơ sở vật chất…”.
Theo bà Hằng, về đào tạo kỹ thuật hàng không, mới chỉ xây dựng chương trình đào tạo nghề, bảo dưỡng tàu bay. Học viện đang thiếu giảng viên và cơ sở vật chất để thực hành.
Ông Phan Xuân Đức, Phó TGĐ Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho biết, nguồn nhân lực đào tạo của Học viện không theo kịp đòi hỏi kỹ thuật và sự chuyên nghiệp của các hãng hàng không. Nhân lực yếu nhất là trình độ tiếng Anh, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng với điều kiện của các hãng hành không. Lực lượng kỹ thuật, tiếp viên của Học viện đào tạo chỉ theo tiêu chí phục vụ của mỗi ngành hàng không Việt Nam, do đó không có sự cạnh tranh với ngành hàng không quốc tế. Cơ chế vướng theo kiểu xin-cho cũng ngăn cản sự phát triển sự đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hàng không.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam trao giấy chứng nhận cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng không cho bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam. |
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), hàng năm Tổng công ty vẫn phải gửi đội ngũ tiếp viên, kỹ thuật đi học ở nước ngoài. Riêng năm 2016, kế hoạch đào tạo của công ty chi hơn 10 tỷ đồng nâng cao về nhân lực. Học viện Hàng không nên nghiên cứu tổ chức đào tạo ngoài nhân lực cơ bản đào tạo thêm kiến thức an toàn an ninh về hàng không, quản lý hàng không, tiếng Anh, bổ túc kiến thức cơ bản về luật hàng không quốc tế. Như vậy mới mong đáp ứng được đòi hỏi về chất lượng cao nguồn nhân lực, phục vụ các hãng hàng không.
Tại cuộc họp, nhiều hãng hàng không như Vietjet, Jetstar Pacific… cũng thừa nhận nguồn nhân lực đào tạo của Học viện Hàng không Việt Nam vừa yếu vừa thiếu. Một phần nhân lực chỉ đáp ứng các khâu đơn giản, còn những kỹ sư cao cấp, tiếp viên chuyên nghiệp đều phải đào tạo ở nước ngoài. Học viện chưa chú trọng phát triển chuyên ngành hàng không, cần thay đổi về mặt đào tạo, nâng cao trình độ thì mới bắt kịp xu thế hiện nay.
Tập trung đào tạo nghề
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam nhận định, Học viện Hàng không muốn lặp lại vai trò đào tạo chủ lực cần định hướng một cách rõ ràng. 19.000 nhân viên của ngành hàng không đang cần đào tạo ở bậc nghề. Hiện nay Học viện đào tạo nhiều những ngành như marketing, quản trị kinh doanh…trong khi ngành hàng không lại không được chuyên sâu. Cần bỏ đào tạo bậc Trung cấp, Cao đẳng chỉ cần chú trọng đào tạo nghề Đại học và quy hoạch lại hệ thống. Đề nghị Bộ GTVT tạo cơ chế chính sách, đầu tư để Học viện trở thành nguồn nhân lực đào tạo cơ bản, nâng cấp chất lượng đầu vào và chất lượng đầu ra.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trường Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng ngành hành không Việt Nam đang thiếu nhiều hơn so với các ngành nghề đào tạo khác. Học viện cần đào tạo chứng chỉ như nhân viên hàng không Việt Nam. Nâng cao chất lượng đào tạo về những môn cơ bản như an ninh, an toàn bay, tiếng Anh. Học viện có điều kiện để tận dụng cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, vì đây là trường đào tạo duy nhất của Việt Nam.
Thứ trưởng chỉ đạo Cục hàng không Việt Nam nghiên cứu tạo điều kiện cho Học viện có cơ chế mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà Học viện kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận