Lễ hội làng Ném Thượng (Khắc Niệm, Bắc Ninh) được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm |
Tôi chưa được trực tiếp xem hội Chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), mới chỉ được xem những bức ảnh về lễ hội này qua internet. Vì thế không dám cảm nhận nhiều, chỉ thấy cảnh người cầm đao chặt ngang người con lợn, máu me be bét đã khiếp rồi.
Ấy thế mà cả người lớn, trẻ nhỏ, bô lão vây quanh reo hò tán thưởng rồi cầm tiền lẻ tranh nhau quết máu lợn để cầu may.
Không dám nói đấy là hành vi mông muội, nhưng cũng phải nói đấy là hành động rất khát máu, lấy sự đau đớn của kể khác để làm trò vui, trò may rủi cho con người thì khó có thể chấp nhận.
Xem cảnh chém lợn của người Ném Thượng, tôi lại rùng mình nhớ đến những tên đao phủ thời trung cổ xa xưa hành quyết tù nhân bằng một nhát đao chí mạng khiến đầu rơi máu chảy giữa bàn dân thiên hạ. Cách tử hình này đã bị xóa bỏ bởi nó quá dã man và mất nhân tính.
So sánh là khập khiễng, nhưng người Ném Thượng chém lợn mấy phát khiến máu me tung tóe trong tiếng cổ vũ của người xem thì có khác nào gợi lại cảnh chém giết dã mãn thời trung cổ?
Phần nhiều các lễ hội ở ta đều lấy tinh thần thượng võ của cha ông làm trọng, nhưng thú thật xem cách giết một con vật như thế để tế lễ, tôi không thấy một chút tinh thần thượng võ nào mà chỉ thấy sự tàn bạo của những cuộc chiến thời xa xưa bỗng dưng bị khơi gợi lại. Đáng buồn hơn là nó lại được diễn ra ở ngay trước mắt bàn dân thiên hạ và con trẻ chứng kiến.
Ngày trước tôi có biết một võ sư tài năng môn Tán Thủ. Một hôm vị võ sư nói với tôi: "Đôi khi phải biết nhường đối thủ một đòn để cuộc đấu dừng lại và tránh sát thương cho cả hai phía.
Đó mới là tinh thần thượng võ. Cái cốt của võ thuật là sự tha thứ, nhẫn nhịn, là hòa bình chứ không phải để chém giết hay sát sinh".
Tôi cứ nhớ mãi câu nói này của vị võ sư già và tự hỏi những đứa trẻ lớn lên giữa tiếng tung hô của những cuộc chém giết kia liệu có thể nào hiểu được cái đạo tinh thần thượng võ mà vị võ sư nói.
Mục tiêu mà loài người nói chung và người Việt Nam ta nói riêng hướng tới là hòa bình, là cuộc sống tươi đẹp. Những cuộc chiến của quá khứ nên khép lại. Những cảnh chém giết dã man, tàn bạo nên được loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội và tín ngưỡng tâm linh. Vậy mà nay lễ hội lại tung hô những hành vi ấy là nét văn hóa.
Chúng ta có nên tôn vinh và bảo tồn một lễ hội chém giết dã man, máu me tung tóe, dù đó chỉ là chém một con vật?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận