Các chuyến đò chở khách quá quy định nhan nhản trên suối Yến |
Trong vai những du khách trẩy hội chùa Hương, chiều 9/3, PV Báo Giao thông được một “cò mồi” tiếp thị vé đi đò ngay đầu QL21B (cách Chùa Hương chừng 12 km). Dù chúng tôi nói rõ là không có nhu cầu, song người phụ nữ này vẫn theo chúng tôi tới tận sát bến đò Yến Vĩ.
Chúng tôi hỏi giá vé thì người này cho biết: “Giá vé tham quan là 85 nghìn đồng/người. Em đã mua sẵn vé cho các anh rồi, hết 170 nghìn đồng. Tiền đò mỗi người em lấy 200 nghìn đồng. Trọn gói là 600 nghìn đồng nhé”.
Vừa nói chị ta vừa rút ra từ trong chiếc ví đeo trước bụng hai tấm vé tham quan đưa cho chúng tôi. Tôi đặt vấn đề muốn được đi ghép cùng các du khách khác để giảm chi phí, chị ta tỏ vẻ khó chịu rồi lên tiếng dọa: “Em nói thật nhé, các anh có chờ từ giờ đến chiều cũng không có người đi cùng đâu mà ghép. Giờ người ta toàn đi đò theo “gói dịch vụ”. Nếu đồng ý, em lấy trọn gói 500 nghìn bao gồm cả vé tham quan”.
Thỏa thuận xong, chị ta bốc điện thoại gọi lái đò. Chưa đầy 5 phút sau, một người đàn ông đi trên một chiếc đò nhỏ có ghi tên “Long - Dung” xuất hiện. Người lái đò giới thiệu tên là Long.
Dọc đường đi, chúng tôi nhận thấy các biển hướng dẫn của Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương cắm dọc suối Yến niêm yết mức giá tham quan là 50 nghìn đồng/người và giá đi đò là 35 nghìn đồng/người cho cả hai lượt đi và về (đò chất lượng cao là 40 nghìn đồng/người).
Đem nội dung này hỏi lái đò thì anh ta lý giải: “Đấy là giá vé chung dành cho du khách đi ghép. Còn đây là “gói dịch vụ” nên bọn tôi tính theo giá khác. Tôi nói thật là với giá đò 35 nghìn đồng/người mà Ban Tổ chức đưa ra, chẳng ai trong chúng tôi chấp nhận đi đâu”.
Theo anh Long, nếu chở đò theo giá vé của Ban Tổ chức, mỗi lái đò chỉ nhận được 70% tiền vé (tương đương 21 nghìn đồng/khách). Với mức giá đó, sẽ chẳng mấy lái đò ở đây chấp nhận chở. Cũng theo anh lái đò này, mỗi “phi vụ” chở khách theo “gói dịch vụ” này anh ta đều phải “cắt phế” cho “cò mồi”.
Số tiền được cắt tùy vào số khách chở và số tiền thỏa thuận với khách. “Như chuyến này, trừ tiền vé 170 nghìn đồng, còn lại 330 nghìn đồng, tôi chia cho chị kia (tức “cò mồi” - PV) 200 nghìn đồng. Số còn lại tôi hưởng”, anh Long cho hay.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Quản lý khu di tích Hương Sơn cho rằng, “gói dịch vụ” đi đò với giá tiền cao hơn gấp nhiều lần giá vé quy định là do thỏa thuận giữa du khách với các chủ đò, du khách chấp nhận thì chủ thuyền chở.
“Các du khách đến đây, tốt nhất là liên hệ với Ban Tổ chức mua vé thì sẽ được sắp xếp đi đò theo đúng giá vé quy định”, ông Thanh nói và cho biết, trên thực tế nhiều du khách đến với Chùa Hương vẫn thường chọn hình thức đi đò “dịch vụ” để thuận tiện hơn cho chuyến hành hương của mình và không phải mất công chờ lâu.
“Vì có người đi cáp treo, có người không, có người làm lễ lâu, có người làm lễ nhanh nên nếu chờ đợi nhau thì sẽ rất mệt và mất thời gian”, ông Thanh lý giải. Khi PV đưa ra vấn đề du khách bị các “cò mồi” đi theo dọc đường chèo kéo và ép phải đi đò theo “gói dịch vụ”, ông Thanh khẳng định sẽ thông báo việc này với Tiểu ban An ninh để kiểm tra và xử lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận